Các lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các chiến binh được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn hôm 9-10 đã phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới ở phía đông bắc Syria. Động thái này nhằm loại bỏ các chiến binh người Kurd trong Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG). Ankara xem YPG do Mỹ hậu thuẫn là tổ chức khủng bố. Trên thực tế, YPG là nòng cốt của Lực lượng dân chủ Syria (SDF) đã giúp Mỹ đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Cuối tuần, Ankara tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công vào những thị trấn biên giới do người Kurd nắm giữ, bất chấp cộng đồng quốc tế phản đối và dọa trừng phạt.
Nước cờ gây tranh cãi
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12-10 tuyên bố đã giành quyền kiểm soát thị trấn biên giới Ras al-Ain của Syria, một trong hai mục tiêu chính của cuộc tấn công và bị pháo kích, ném bom dữ dội trong những ngày qua. Tuy nhiên, SDF ngay lập tức phủ nhận thông tin này, theo AFP.
Tổng số thành viên SDF thiệt mạng từ khi Thổ Nhĩ Kỳ mở màn chiến dịch đến hôm 12-10 là 74 người, Tổ chức Quan sát nhân quyền Syria (trụ sở tại Anh) cho biết. Thổ Nhĩ Kỳ tổn thất bốn lính cùng 49 tay súng thuộc các nhóm nổi dậy Syria do Ankara hậu thuẫn. Các tổ chức viện trợ thông báo khoảng 100.000 người dân phải bỏ nhà tháo chạy khỏi khu vực xung đột và ít nhất 11 thường dân thiệt mạng trong những cuộc tấn công.
Trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7-10 thông báo Washington đã bắt đầu rút lực lượng khỏi đông bắc Syria, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào khu vực. Khi được hỏi lý do chính xác Mỹ rút lực lượng khỏi Syria, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: “Vì Thổ Nhĩ Kỳ đã điều lực lượng lớn vượt biên giới vào Syria. Chúng tôi chỉ có ít quân, chưa tới 60 người ở đó. Họ không thể tiếp tục ở đó và họ phải giữ cho mình an toàn. Tổng thống Trump đã quyết định đưa họ rút lui khỏi khu vực 20-30 km”.
Theo tờ The Guardian, sự kiện gây hoang mang vừa qua trông giống một nước cờ định sẵn vì đó là những hành động mà hậu quả của nó có thể lường trước được. Còn đối với nhiều người khác, kể cả những nhà lãnh đạo châu Âu và người Kurd, quyết định quyết liệt của ông Trump được xem là bỏ mặc đồng minh người Kurd và có khả năng thay đổi cả tiến trình của khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố mục tiêu của chiến dịch là lập ra một vùng đệm dọc biên giới nước này, nơi mà những người tị nạn Syria đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở về.
Hình ảnh các phiến quân Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12-10. Ảnh: AFP
Tác động đa phương của chiến dịch quân sự
Ngoài việc gây ra sự xung đột ngay trong chính quyền Washington, chiến dịch quân sự của Ankara còn gây tác động khá nghiêm trọng đến những mối quan hệ quốc tế khác, báo Wall Street Journal cho biết.
Đầu tiên là mối quan hệ song phương Mỹ-Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ lo ngại nguy cơ thanh trừng sắc tộc người Kurd. Trên trang Twitter, ông Netanyahu cho biết: “Israel sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo cho người Kurd”.
11.000 là số binh lính mà Lực lượng dân chủ Syria đã tổn thất trong chiến dịch đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. |
Theo nhà báo Gerald F. Seib, Israel lo lắng về sự hồi sinh của IS và xem người Kurd là đồng minh trong cuộc chiến chống IS này. Ít nhất năm trong số hàng ngàn tay súng IS đã tìm cách thoát ra khỏi một nhà tù ở miền Bắc Syria sau các cuộc tấn công bằng súng cối của Thổ Nhĩ Kỳ gần đó khiến lực lượng người Kurd bỏ canh gác các nhà tù. Mặt khác, việc người Kurd bị đẩy ra khỏi khu vực biên giới sẽ tạo thuận lợi cho sự ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Iran lên khu vực. Điều này được cho là trái với mong muốn của Israel.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sử dụng quân sự truy đuổi người Kurd đã vấp phải sự chỉ trích từ các thành viên NATO khác. Từ đó cũng tạo ra căng thẳng mới ngay trong liên minh phòng thủ quốc tế.
Bức tranh càng bị làm phức tạp thêm với thực tế rằng Mỹ là đồng minh với cả Thổ Nhĩ Kỳ và SDF nhưng trong mắt Ankara, SDF là những kẻ khủng bố đang phá hoại chính phủ của họ. Trước tình hình căng thẳng leo thang, các thành viên hai đảng cầm quyền của Mỹ đang thúc giục Nhà Trắng đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước được xem là đồng minh chiến lược và là cầu nối giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo.
Phản ứng của EU EU đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hoạt động quân sự ở phía bắc Syria và có thể sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Ankara. Đại diện cấp cao về ngoại giao và chính sách an ninh của EU Federica Mogherini cho rằng hành động của Ankara làm suy yếu những tiến bộ mà cộng đồng quốc tế đã đạt được trong việc tiêu diệt IS ở Syria. Bà Mogherini kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng các biện pháp ngoại giao thay vì hành động quân sự. Ngoại trưởng của các quốc gia thành viên EU sẽ thảo luận vấn đề này tại Hội đồng Đối ngoại EU ngày 14-10 trước khi Hội đồng châu Âu dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến 18-10 tại Brussels, Bỉ. |