Hiện nay có không ít người dân thắc mắc làm sao trổ cửa sổ cho đúng để không phải bị phạt và không bị hàng xóm tranh chấp. Đây là một vấn đề rất được người dân quan tâm, nhất là trong môi trường đô thị, đất chật người đông, nhà cửa san sát.
Điều 271 Bộ luật Dân sự quy định về hạn chế quyền trổ cửa như sau: Chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa ra vào, cửa sổ quay sang nhà bên cạnh, nhà đối diện và đường đi chung theo quy định của pháp luật về xây dựng. Cụ thể hơn, Quy chuẩn xây dựng (QCXD) năm 1997 có quy định về nguyên tắc trổ cửa sổ. Theo đó, nhà ở chỉ được trổ cửa khi cách ranh đất nhà lân cận từ 2 m trở lên.
Thế nhưng sau đó QCXD năm 2008 thì không đề cập đến nội dung này. Sở Xây dựng TP cũng đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét bổ sung lại quy định trên để làm cơ sở cho công tác cấp phép và giải quyết tranh chấp khiếu nại nhưng không được trả lời. Tuy nhiên, theo Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở riêng lẻ 533 và mới đây là 9411 năm 2012 thì vẫn quy định theo nội dung trên, tức phải cách ranh đất nhà lân cận 2 m thì mới được trổ cửa sổ. Thực tế, đối với nhà liên kế trong khu dân cư hiện hữu, rất ít trường hợp mà bản vẽ xin phép xây dựng thể hiện các cửa sổ vì nhà liên kế thì thông thường sát vách nhau, không đủ khoảng cách 2 m. Do đó bản vẽ xin phép có vẽ thì cán bộ cấp phép cũng sẽ yêu cầu bỏ ra.
Quy định mềm về trổ cửa sổ nhằm khuyến khích tình bằng hữu giữa láng giềng với nhau và tạo điều kiện thuận lợi cho dân. Ảnh: HTD
Một điều chắc chắn là nếu trong bản vẽ xin phép xây dựng không có cửa sổ mà chủ nhà tự trổ cửa sổ thì đó là hành vi xây dựng sai phép. Cơ quan chức năng sẽ xử phạt theo quy định về quản lý trật tự xây dựng. Việc bít cửa sổ bằng vật liệu nào thì hiện nay không có quy định cụ thể bởi lẽ pháp luật không thể đi vào từng chi tiết như vậy được. Tuy nhiên, thiết nghĩ quy định hợp lý là phải bằng vật liệu tương đồng với bức tường.
Tại sao việc trổ cửa sổ không đưa vào QCXD mà nằm ở dạng tiêu chuẩn? Tôi nghĩ rằng có cái lý của nó. Đó là tạo hành lang cho sự thỏa thuận của hai bên chủ nhà. Giả sử khoảng cách ranh đất không đủ 2 m nhưng nhà này xây trước mà nhà kia chưa xây thì có thể thỏa thuận với nhau về việc trổ cửa sổ. Khi nào nhà kia xây lên cao thì sẽ bít cửa sổ lại… Nói chung, quy định mềm là để khuyến khích sự giao hảo và tình bằng hữu giữa láng giềng với nhau và tạo điều kiện thuận lợi cho dân. Nếu hai bên thỏa thuận được với nhau thì được trổ cửa sổ, tạo sự thông thoáng. Còn một khi đã đưa thành quy định bắt buộc “cấm nhà cách ranh nhà kia dưới 2 m trổ cửa sổ” sẽ dẫn đến hạn chế quyền lợi của người dân trong trường hợp cả hai bên đều đồng ý và mong muốn nhà mình được trổ cửa sổ. Tôi nghĩ quy định mở như vậy là cần thiết.
TỐNG ĐỨC TIẾN, Phó phòng Cấp phép xây dựng - Sở Xây dựng TP.HCM
Lắp cửa kính khi bị khiếu nại Trước đây, Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh một vụ khiếu nại của sáu hộ dân ở một con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 (TP.HCM). Số là hàng chục năm qua, họ sử dụng chung một nhánh rẽ của hẻm làm lối đi. Do nhánh rẽ là đường cụt nên họ đã nâng cấp, xây bồn, chậu kiểng trồng cây xanh làm sân sinh hoạt chung. Khi một hàng xóm xây nhà (mặt tiền quay ra đầu hẻm, hông nhà giáp ranh nhánh rẽ) đã mở cửa bên hông cùng cửa sổ trên lầu nhìn trực diện vào nhà ở của sáu hộ. Sáu hộ dân khiếu nại. Chính quyền địa phương cho biết rất khó yêu cầu người bị khiếu nại bít cửa sổ vì căn cứ vào các quy định hiện hành của cả TP.HCM lẫn trung ương thì trường hợp trổ cửa sổ tại hẻm công cộng 4 m không có gì sai. Do vậy, để đảm bảo tính riêng tư của sáu hộ dân, giải pháp của cơ quan chức năng là buộc người bị khiếu nại phải lắp cửa kính (không nhìn thấy bên ngoài) đối với các cửa sổ theo đúng thiết kế. |