Anh Phạm Như Đà quê gốc ở Hưng Yên vào Củ Chi lập nghiệp. Gia đình gồm 5 người sống nhờ 3.500 m2 đất thuê để trồng rau sạch. Gia đình anh làm mô hình này đã hơn 10 năm, mỗi tháng thu khoảng 60.000.000 đồng.
Mô hình trồng rau của gia đình anh Đà. Ảnh: Nguyên Võ
Anh Đà chia sẻ “làm mô hình này cũng rất vất vả, tôi phải học hỏi nhiều và tập huấn nhiều nơi, mỗi năm phải đều phải tập huấn. Tôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên có nhiều tiêu chuẩn phải tuân thủ, ví dụ lượng thuốc và phân bón phải đảm bảo bón theo quy chuẩn nhất định, kho chứa chứa thuốc và phân bón phải cách biệt, phải có màn che chắn,… chính vì những tiêu chuẩn trên mà giá thành của rau cũng đắt hơn so với giá rau trên thị trường”.
Hệ thống nước tưới phải được đảm bảo. Ảnh: Nguyên Võ
Theo anh Đà, ở khu vực trước kia có nhiều hộ cũng trồng theo kiểu rau sạch nhưng vì giá sản phẩm cao đôi khi cũng khó tiêu thụ nên nhiều người phải nghỉ. Do có kỹ thuật trồng trọt anh được một số công ty mời về làm nhưng anh từ chối vì thấy hiện đang phù hợp với công việc và mô hình mình đang làm.
Rau trồng phải có màn che nhằm tránh không khí môi trường ô nhiễm. Ảnh: Nguyên Võ
Vườn rau anh Đà trồng bao gồm một số loại như rau muống, rau dền, mồng tơi, cải ngọt,… do trồng xen lẫn, thu hoạch luống này xong anh gieo ngay luống khác nên hầu như ngày nào cũng có sản phẩm được cung cấp ra thị trường. Ngoài việc giao hàng cho một số hợp tác xã anh còn buôn bán cho một số hộ dân xung quanh. Anh chia sẻ vui vẻ “không làm đàng hoàng, bà con ăn bị ngộ độc chắc mình không sống được ở xứ này”. Làm nghề này phải có tâm, nếu chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà phun thuốc tăng trưởng quá mức thì rất gây hại cho người dân.
Mô hình này của gia đình anh Đà hiện đang được rất nhiều tổ chức và cá nhân quan tâm, cứ cách vài ngày là có một đoàn đến tham quan mô hình của anh, không chỉ có đoàn ở vùng lân cận mà còn có một số người ở một số tỉnh xa như Bình Thuận, các em học sinh của một số trường. Có khi có cả đoàn nước ngoài.