Thời điểm dự kiến ngưng xe buýt, taxi và xe máy ở TP.HCM

(PLO)- Dự kiến đến năm 2035 TP.HCM sẽ dừng cấp đăng ký mới với xe buýt sử dụng động cơ đốt trong (ICE), đến năm 2040 dừng cấp đăng ký mới với xe dùng động cơ diesel và xe máy dùng động cơ đốt trong.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Thời điểm dự kiến ngưng xe buýt, taxi và xe máy ở TP.HCM

Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội thảo tham vấn “Kế hoạch phát triển giao thông vận tải bằng phương tiện giao thông điện tại TP” do ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM và bà Urda Eichhorst, Giám đốc Dự án NDC-TIA, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) chủ trì chiều 12-5.

Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, sở ban, ngành tại TP.HCM và các tổ chức quốc tế và các cơ quan liên quan.

Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Hòa An nhấn mạnh: “Kế hoạch phát triển giao thông vận tải bằng phương tiện giao thông điện tại TP.HCM là bước khởi đầu quan trọng cho sự chuyển đổi về phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch. Từ đó, góp phần giảm phát thải khí nhà kính để môi trường TP ngày càng trong lành hơn”.

Hội thảo đã tham vấn các vấn đề như kết quả thực trạng các vấn đề liên quan đến phát triển phương tiện giao thông điện (PTGTĐ) tại TP; kết quả nghiên cứu khảo sát quan điểm người tiêu dùng và nhu cầu của doanh nghiệp vận tải đối với PTGTĐ; Kết quả kịch bản phát triển PTGTĐ cho TP. Cuối cùng là dự thảo kế hoạch hành động giao thông vận tải bằng phát triển PTGTĐ cho TP.

Hiện nay, xe buýt điện đã được chạy và vận hành ở TP.HCM. Ảnh: ĐT.

Hiện nay, xe buýt điện đã được chạy và vận hành ở TP.HCM. Ảnh: ĐT.

Hội thảo đã tích cực trao đổi thảo luận các vấn đề về thực trạng, thách thức và góp ý cho dự thảo kế hoạch hành động phát triển PTGTĐ tại TP.HCM. Trong đó tập trung vào các kịch bản phát triển PTGTĐ cũng như các mục tiêu và giải pháp để triển khai lộ trình phát triển PTGTĐ cho TP.

Bà Urda Eichhorst chia sẻ: “Việc chuyển từ phương tiện động cơ đốt trong sang phương tiện giao thông điện đã và đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Chính quyền TP và các quốc gia có thể thúc đẩy việc triển khai xe điện bằng cách đưa ra chính sách thuận lợi và cơ sở hạ tầng trạm sạc.

Kế hoạch hành động cho PTGTĐ của TP.HCM sẽ là then chốt để áp dụng nhanh chóng cũng như lấy kinh nghiệm để triển khai tại các TP khác trong tương lai”.

Trước đó, trong phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào tháng 11-2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

3 lộ trình phát triển xe điện

Theo ông Bùi Hòa An, để đạt được mục tiêu chung giảm phát thải, việc thay đổi hành vi và chuyển đổi công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải là thiết yếu.

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và cơ giới hóa nhanh, lưu lượng giao thông tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng ngày càng gia tăng.

Hội thảo tham vấn “Kế hoạch phát triển giao thông vận tải bằng PTGTĐ tại TP. Ảnh: ĐT.

Hội thảo tham vấn “Kế hoạch phát triển giao thông vận tải bằng PTGTĐ tại TP. Ảnh: ĐT.

Giảm phát thải trong giao thông vận tải là một trong các giải pháp hàng đầu cho việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Hiện nay, phát thải trong giao thông chiếm 18% tổng phát thải KNK tại Việt Nam và không ngừng tăng qua các năm.

Ônh Edmund A. Araga, Chủ tịch Hiệp hội phát triển giao thông điện Philippines, cho biết: "Để phát triển xe điện thì cần tập trung vào ưu đãi, giảm giá hoặc giảm thuế cho người tiêu dùng xe điện. Bên cạnh đó là nâng cao sự sẵn sàng trong việc phát triển giao thông điện trong giao thông công cộng. Cần có các quy định để đẩy nhanh hơn việc sử dụng, khuyến khích người dân sử dụng."

Ông Lê Anh Tuấn - Trưởng nhóm tư vấn cho biết TP.HCM là một trong những TP chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu .

Mục tiêu đến năm 2030 của Bộ GTVT là giảm 90% phát thải và tỉ lệ giao thông công cộng đạt 25%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại TP.HCM chưa đặt ra thị phần đối với việc phát triển giao thông điện.

Hạ tầng sạc ở TP.HCM vẫn rất sơ khai, hiện chỉ có Vinfast đang triển khai 29 trạm sạc ô tô.

Phát triển giao thông điện là xu thế toàn cầu và chúng ta không thể cưỡng lại. Số lượng xe bán ra trên thế giới thì hiện nay chỉ còn 41% là phương tiện có động cơ đốt trong, số còn lại là xe điện hoặc xe lai điện.

“Tương lai gần, giao thông thủy sẽ phát triển, kết hợp với metro và buýt điện mang lại hiệu quả cao. Theo đó, chúng tôi đưa ra ba lộ trình phát triển xe điện như đến năm 2030 là giai đoạn khởi động, đến năm 2035 là giai đoạn tăng trưởng nhanh, đến năm 2040 là giai đoạn tăng trưởng ổn định.

Cũng từ đó, chúng tôi đưa ra nhiều giải pháp như cơ chế chính sách, tuyên truyền và tập trung nghiên cứu để thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho nhà sản xuất kinh doanh, thuế - phí và phát triển hạ tầng ở TP.HCM" - ông Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, chúng ta cần có kế hoạch hạn chế xe cá nhân sử dụng động cơ đốt trong vào 2035.

Chương trình Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng Liên bang Đức (BMUV) tài trợ thông qua Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI). Hợp phần Việt Nam do GIZ, WRI và ICCT thực hiện phối hợp với Vụ Môi trường thuộc Bộ GTVT.

Sáng kiến Giao thông trong NDC tại các nước châu Á hướng đến tạo điều kiện cho việc chuyển đổi mô hình sang vận tải không phát thải trên khắp châu Á.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm