Thời doanh nghiệp Việt không làm nổi ốc vít đã lui vào dĩ vãng

Lâu nay, nhiều người cho rằng các công ty Việt “không thể sản xuất nổi cái ốc vít”. Tuy nhiên, điều này đã không còn đúng ở thời điểm hiện nay khi năng lực, trình độ sản xuất… của doanh nghiệp (DN) Việt đã có nhiều tiến bộ vượt bậc.
Nhiều ông lớn ngoại hướng đến Việt Nam
Tại hội thảo liên quan đến việc công ty Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, nhiều DN khẳng định: Mạng lưới khách hàng quốc tế đến với các công ty Việt đã mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây. Đáng chú ý là nếu trước đây các tập đoàn lớn nước ngoài thường đặt hàng với đối tác ở Trung Quốc thì nay họ đã hướng vào Việt Nam (VN) để đặt hàng. 
“Câu nói VN không thể sản xuất nổi con ốc vít đã không còn chính xác. Thực tế các DN công nghiệp hỗ trợ của VN đã làm được rất nhiều. Vấn đề là sản lượng, nhu cầu thị trường có đủ lớn để họ sản xuất hay không” - ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Nam Hải, tự tin.

Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam gần đây được nhiều đối tác nước ngoài đặt hàng. Ảnh: PM

Phát biểu của ông Hải là phù hợp với tình hình thực tế. Bằng chứng là mới đây, Foxconn, đối tác của gã công nghệ khổng lồ Apple (Mỹ), đã chính thức đầu tư một nhà máy hoành tráng tại tỉnh Bắc Giang. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 270 triệu USD, mỗi năm sản xuất khoảng 8 triệu máy tính bảng và máy tính xách tay.

“Đây là làn sóng đầu tư thế hệ mới và sẽ tác động lớn hơn cho nền kinh tế VN. Lý do là các tập đoàn đa quốc gia có động cơ mạnh mẽ hỗ trợ các công ty Việt nâng cao năng lực sản xuất để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Ngoài ra, họ cũng nhìn thấy trình độ sản xuất ngày càng tiến bộ của các công ty Việt và điều này tạo ra sức hấp dẫn để họ đặt nhà máy ở VN” - ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Quỹ đầu tư VinaCapital, bình luận.
Tại một diễn đàn tổ chức vào những ngày đầu năm 2021 vừa qua, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Thị Thu Thủy cho biết: VinSmart, một công ty sản xuất và phân phối các thiết bị viễn thông thuộc Vingroup, đã nhận được đơn đặt hàng lớn cho thế hệ điện thoại 5G mới nhất từ Mỹ. Đơn hàng này cho thấy công ty đáp ứng được các tiêu chuẩn rất khắt khe từ thị trường Mỹ, cũng như khả năng làm chủ công nghệ của các kỹ sư VN. 
“Điều này cũng chứng minh câu nói “Người Việt không làm nổi cái ốc vít” đã trở thành dĩ vãng. Trí tuệ Việt đủ năng lực làm được các công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay” - bà Thủy nhấn mạnh.

Việt Nam làm chủ công nghệ 5G

 Năm 2020, VN trở thành nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G và sản xuất được điện thoại 5G. Rất ít người, kể cả trong nước và nước ngoài tin rằng VN có thể làm được việc này. 

Do đó, “Make in Vietnam” là một khẩu hiệu hành động; là thúc giục tinh thần thiết kế tại VN, sáng tạo tại VN, làm ra tại VN. Thay vì làm gia công, lắp ráp thì chúng ta hãy làm sản phẩm. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT NGUYỄN MẠNH HÙNG 

Không chỉ quanh quẩn ở sân nhà
Thực tế cho thấy hiện nay các công ty VN không chỉ tự tin cạnh tranh trên sân nhà mà còn có thể mang những sản phẩm “Make in Vietnam” ra cạnh tranh trên thị trường thế giới. Điển hình như Công ty cổ phần BKAV đã xuất khẩu camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sang Mỹ; hãng xe VinFast đã tung ra hàng loạt mẫu ô tô điện dành cho xuất khẩu sang thị trường Mỹ; Viettel đã làm chủ hạ tầng phát sóng 5G…
Để có được thành công này, các DN Việt sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ hiện đại và dám chấp nhận các rủi ro. Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, dẫn chứng: Chỉ sau 18 tháng gia nhập thị trường ô tô, VinFast đã đạt doanh số hơn 41.000 xe. 
“Trong thời gian qua, hãng đã có nhiều bước đi quan trọng nhằm đón bắt các xu hướng mới và từng bước tự chủ công nghệ, tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Chúng tôi cũng hợp tác với những nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới để học hỏi và làm chủ hoàn toàn công nghệ. Giờ đây chúng tôi đã bắt đầu hướng đến sản xuất mẫu xe ô tô thông minh, bao gồm cả xe động cơ nổ thông thường và xe điện. Trong đó có hai mẫu ô tô điện thông minh sẽ được bán trên thị trường quốc tế trong năm 2021-2022” - bà Thủy cho hay. 
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho hay: Khát vọng làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ và vươn ra thế giới đã đi cùng với công ty suốt 20 năm qua. Đã có những giai đoạn công ty chấp nhận lỗ để mở thị trường ở Mỹ và từng bước đi lên. Đến nay tập đoàn đã có 1.700 khách hàng, trong đó có 100 khách hàng nằm trong nhóm 500 công ty hàng đầu thế giới. 
“Ngay trong giai đoạn dịch COVID-19, chúng tôi đã vượt qua 200 công ty Mỹ, trong đó có những tên tuổi lớn để lấy được hợp đồng 150 triệu USD từ khách hàng nước này. Tại Malaysia, chúng tôi cũng vượt mặt nhiều công ty nước này để nhận hợp đồng 100 triệu USD” - ông Bình dẫn chứng.
Lãnh đạo FPT cũng thông tin tập đoàn đã chế tạo thành công robot akaBot. Robot này có thể giúp các DN tự động hóa nhiều quy trình và có thể xử lý 135 quy trình khác nhau. “Con robot này được 50 công ty trên thế giới chấp nhận” - ông Bình nói.•

Bắt tay nhau sẽ giải quyết được bài toán khó

 Bà Lã Thị Lan, Tổng giám đốc Tập đoàn Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM, bác bỏ chuyện DN Việt không thể làm nổi ốc vít. Bà Lan lý giải thêm, ốc vít chỉ là phần nhỏ trong câu chuyện sản xuất nhưng nó cũng nói lên bức tranh toàn cảnh đầu tư công nghệ cao của các công ty Việt. Đó là bài toán luẩn quẩn “con gà hay quả trứng có trước”. 

Cụ thể, nhiều công nghệ đòi hỏi độ chính xác rất cao song các DN Việt chưa dám đầu tư. Bởi nếu bỏ ra số tiền lớn để đầu tư mà không biết sẽ bán cho ai thì không đơn vị nào dám làm. Nói cách khác, họ chờ có khách đặt thì mới dám làm. 

“Đây cũng là một trong những lý do một số tập đoàn lớn nước ngoài chưa hợp tác với các nhà cung cấp Việt. Mặt khác, một số tập đoàn nước ngoài khi vào nước ta họ đã có sẵn các nhà cung cấp trước đó, vì vậy không hợp tác với nhà cung cấp nước ta” - bà Lan giải thích.

Đại diện nhiều công ty khác cũng nhìn nhận làm ra sản phẩm chất lượng tốt với giá hợp lý mới là bài toán khó cho các công ty Việt. Để giải quyết được bài toán này cần có sự tin tưởng của các nhà mua hàng trong nước. Mặt khác, các công ty Việt cần bắt tay liên kết, phối hợp với nhau để cùng làm ra sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh tốt hơn về giá cả với đối thủ ngoại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới