1 nông dân bất lực nhìn gần 7 ha lúa bị nước nhấn chìm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau hơn 3 tháng kể từ ngày bắt đầu bước vào sản xuất, hơn 10.000 ha diện tích lúa Đông Xuân trên toàn địa bàn huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bắt đầu bước vào giai đoạn trổ bông, đón đòng.

Thông thường người dân lúc này sẽ ra đồng chăm bón, diệt cỏ nhằm thúc cho cây lúa trổ bông.

Tuy nhiên, đợt mưa lớn dị thường kéo dài suốt từ chiều tối 31-3 đến ngày 2-4 khiến hàng ngàn ha lúa của người dân huyện Lệ Thủy bị ngập nặng, một số hộ gia đình có nguy cơ mất trắng.

Ông Lê Văn Sinh buồn bã ngồi may lại lưới rập đánh bắt tôm, cá ở ruộng.

Trước đó, ông Sinh đã nhờ người dùng các bao cát đắp đê ngăn nước để cứu 7 ha ruộng nhưng vì nước lớn nên đành bất lực.

Ông Lê Văn Sinh (sinh năm 1955, thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy) canh tác hơn 12 mẫu ruộng (khoảng gần 7 ha) ở khu vực thấp trũng và gần nhánh sông tưới tiêu. Sau hơn hai ngày mưa lớn, toàn bộ diện tích lúa của gia đình bị nước nhấn chìm, dù khoảng 7-10 ngày nữa là sẽ đến kỳ trổ bông.

“Tôi làm ruộng đây là ruộng 5% của xã, nhận khoán ruộng khoảng 7 ha mà hơn 10 năm rồi chưa thấy khi mô lụt tháng 3, lúa thì khoảng tầm 10 ngày nữa là trổ mà giờ ngập hết do mưa lớn, rồi nước tràn đê vô ruộng thì coi như mất trắng”- ông Sinh nói.

Người dân huyện Lệ Thủy nỗ lực dùng bao đắp đê ngăn nước tràn vào ruộng lúa.

Ghi nhận sáng 2-4, toàn bộ diện tích lúa của ông Sinh bị nước nhấn chìm trắng xóa. Công sức chăm sóc suốt ba tháng qua đến giờ như “đổ sông đổ biển”, chưa kể gánh nặng về chi phí thuê nhân công cày bừa, gieo cấy, phân đạm, tiền thuê đất...

“Sau khi nghe dự báo thời tiết và thấy mưa mãi không hết, tôi đã gọi điện nhờ anh em rồi người quen ra hỗ trợ đắp đê ngăn nước vào ruộng nhưng vẫn không cản được. Từ đầu mùa, giá cả phân đạm chăm bón cũng lên, thuê người gieo cấy cũng lên gần 400 ngàn/công mà giờ cả 7 ha ruộng lút cả ri, thực sự không biết phải xoay xở đâu mà trả, rồi trả tiền thuê ruộng nữa”- ông Sinh buồn bã.

Ông Sinh nhìn về hướng 12 mẫu lúa (khoảng 7ha) của ông đang bị nước nhấn chìm.

Toàn xã Liên Thủy hiện có 857 ha lúa, trong đó có 135 ha lúa bị ngập hoàn toàn do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài hai ngày qua. Nếu tình hình mưa lớn còn kéo dài thì những nhiều phần ruộng bị ngập có nguy cơ mất trắng.

Ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy cho biết toàn xã có khoảng 135 ha ruộng ruộng bị ngập sâu, chủ yếu ở các Hợp tác xã Quy Hậu, Đông Thành và Xuân Hồi. Trong đó, gia đình ông Lê Văn Sinh bị thiệt hại nặng nề nhất khi gần 7ha bị ngập hoàn toàn.

“Hiện xã đang tiến hành thống kê, xem xét báo cáo những thiệt hại của người dân để có cơ sở hỗ trợ về sau nếu có”- ông Linh cho hay.

Các trạm bơm tăng cường hoạt động nhằm tháo nước, chống ngập úng.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa xa phía bắc rãnh áp thấp có trục qua Nam Trung Bộ nên từ chiều tối ngày 31-3 đến ngày 2-4, tỉnh Quảng Bình xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Tổng lượng mưa tại các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn từ 80-130mm, có nơi 150mm; huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới phổ biến từ 100-150mm, có nơi trên 200mm.

Huyện Lệ Thủy là địa phương có diện tích lúa bị ngập úng nhiều nhất với hơn 3.600 ha.

Trước ảnh hưởng của mưa lớn bất thường, hàng nghìn ha lúa chuẩn bị bước vào thời kì trổ bông của người dân trên địa bàn tỉnh đã bị ngập, gãy đổ, nhiều khu vực thấp trũng lúa đã bị ngập hoàn toàn. Theo thống kê ban đầu, tại huyện Lệ Thủy có hơn 3.600 ha; huyện Quảng Ninh 350 ha; huyện Bố Trạch 25 ha.

Theo ghi nhận, để cứu hàng ngàn ha lúa đang bị uy hiếp bởi “cơn lũ đầu hè”, hàng trăm người dân phải ra đồng từ tối ngày 1-4 để đắp đê, tôn cao các khu vực xung yếu để cứu lúa.

Đối với các diện tích lúa bị ngập, chính quyền các địa phương cũng đã huy động các trạm bơm để tiêu úng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm