2 gia đình đi bộ về quê nhưng không được, phải tá túc ở gầm cầu

Cả hai gia đình bao gồm năm thành viên, trong đó có bé trai 15 tháng tuổi sống dưới gầm cầu, nhờ vào tình thương của người qua đường.

Đi bộ về quê, kẹt lại dưới gầm cầu

Sáng 17-8, cả gia đình anh DĐ (24 tuổi) và chị NTH (26 tuổi) cùng hai cha con ông DS (cùng quê Bạc Liêu) bắt đầu một ngày giống như hai ngày trước đó, đi xin nước, pha sữa cho cháu nhỏ 15 tháng tuổi rồi đưa ánh mắt ra Quốc lộ 1, chờ đợi một vận may là được về quê.

Cả năm người sống dưới gầm cầu đã nhiều ngày do trên đường về quê bị kẹt lại. Ảnh: NT

Anh Đ. cho biết, đã ba ngày, hai đêm, gia đình anh cùng người chú họ hàng là ông S. lấy gầm cầu vượt Ngã tư Gò Mây (giáp ranh giữa phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM) làm nơi tá túc qua ngày.

Họ muốn về quê nên dự định đi bộ từ TP.HCM về quê nhà Bạc Liêu nhưng bị kẹt lại ở gầm cầu.

Anh Đ. nói rằng mình cùng vợ làm thợ hồ, ở trọ ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.

“Do dịch bệnh, ba tháng nay hai vợ chồng không có việc làm. Tiền cạn kiệt nên phải tìm mọi cách về quê. Nhiều lần đăng ký nhưng không được nên tính lội bộ về”, anh Đ nói.

Trong đó, thành viên nhỏ nhất là 15 tháng tuổi. Ảnh: NT

Tuy nhiên, khi đi đến khu vực chốt trên đường Nguyễn Thị Tú (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) thì hai vợ chồng bị chặn lại.

“Các anh ở chốt nói không thể về được. Khi thấy chúng tôi có con nhỏ nên mấy anh cho cơm, nước và nói hãy đăng ký với phường để xem có chuyến xe nghĩa tình nào về quê thì theo về. Nhưng tôi đợi đã ba ngày nay mà không được” – chị H kể.

Ông S cũng đi bộ từ Tân Bình định men theo quốc lộ về miền Tây nhưng cũng mắc kẹt lại do không được qua chốt nên cùng gia đình anh Đ ở luôn dưới gầm cầu.

Sáng cùng ngày, cả nhóm năm người nằm ngồi trên lối đi xi măng xung quanh là bùn đất, nước đọng. Họ lấy bạt, giấy bìa làm chiếu, đầu kê lên những chiếc gối cáu đen vì mồ hôi và bụi.

Theo tìm hiểu, cả bốn người đều làm thợ hồ, mất việc và hiện đã hết tiền. Ảnh: NT

 “Ba tuần trước, ba tôi ở nhà mất bị bạo bệnh nhưng tôi cũng không về được” – chị H. nén tiếng thở dài.

Ngồi gần con trai 21 tuổi đang nằm ngủ, ông DS cho biết mình mới lên TP.HCM làm thợ hồ được chừng một tháng thì dịch bệnh bùng phát. Cả hai cha con mất việc, cùng những người đồng hương nương tựa vào nhau ở khu vực công trình. Nhưng không thể kéo dài nên quyết về quê bằng cách đi bộ.

Chị H dặn dò PV ghi tắt các thông tin tên tuổi vì sợ gia đình ở quê lo lắng khi thấy con cháu ở dưới gầm cầu.

“Hiện tại tôi cũng không về quê được nhưng ở gầm cầu hoài cũng không chịu được. Trong người hai vợ chồng có mấy chục ngàn thôi. Có mang theo sữa với nước cho em bé. Giờ hết tiền thì cũng phải nhịn đói để đi bộ về nhà” – chị H. ứa nước mắt.

Anh Đ. cùng con nhỏ sống ở gầm cầu đã ba ngày, hai đêm. Ảnh: NT

Ông DS cho biết, hiện những đồng hương của ông gồm năm người phụ hồ cũng mắc kẹt ở quận Tân Bình. Riêng anh Đ. thì thông tin hiện có năm người khác là bà con cùng làng cũng mắc kẹt ở gần Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) tất cả đều tha thiết muốn về quê nhưng đành bất lực.

Phường đến tận nơi đưa về nơi ở tạm

Ông DS tiếp rằng khi ra gầm cầu ở thì đã biết là cạn tiền, không biết bấu víu vào đâu. Họ đều làm phụ hồ, mất việc, không có tiền tích lũy. “Phụ hồ tính theo ngày. Đàn ông có sức khỏe thì 300 ngàn/ ngày, phụ nữ thì 200 ngàn/ ngày. Nhưng ba tháng nay đã ở không, không về được, không có gì ăn” – ông S. nói.

Gia đình anh Đ cho biết có đăng ký để được về quê nhưng đợi một tháng nay không được. Không có xe máy, họ đành đi bộ để về quê làm thuê, vác lúa kiếm sống.

Tất cả họ đều mong muốn được về quê. Ảnh: NT

Trong khi đó, chị H kể, do ở trọ nhưng không đăng ký tạm trú nên cũng không nhận được hỗ trợ. Tính từ thời điểm mất việc, hai vợ chồng mới nhận được duy nhất một lần giúp đỡ là phần quà từ Chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn gồm 5kg gạo, một trái khóm và mấy củ khoai lang.

“Chủ trọ cũng miễn cho hai tháng tiền phòng trọ nhưng nhờ người ta hỗ trợ hoài cũng kỳ. Thấy con nhỏ đói sữa nên hai vợ chồng tính đường lội bộ về quê” – chị H. tiếp.

10 ngày trước, trong lúc chị H. nấu ăn, con nhỏ quấy nên cháo nóng đổ trúng người, bỏng kéo dài từ nách xuống chân. Nhưng tiền không có, hai vợ chồng xin thuốc lá đắp cho cháu chứ không có tiền mua thuốc tây, may sao bé lành nhanh. Không để lại di chứng nặng.

Chị H. cho biết mới đây con nhỏ bị bỏng nhưng cũng không có tiền chữa trị. Ảnh: NT

Đã ba ngày nay, ông S. cùng gia đình anh Đ. không tắm, không giặt. Ở chỗ dưới gầm cầu có một chậu nước, PV hỏi để làm gì thì ông S. cho biết để dành tắm cho con của Đ. vì sợ cháu ngứa. “Có hôm mưa to, nước giọt tới đến đâu thì chạy đến đó. Còn đêm thì muỗi cắn”- ông S. kể.

Anh Đ. cho biết lý do cùng con 15 tháng bám trụ ở gầm cầu vì hi vọng được về quê. “Do người ta nói chúng tôi ở lại đây đi, rồi ra đăng ký với phường rồi chờ nên chúng tôi chờ. Giờ quay lại trọ cũng không được nữa, vì trả phòng, mà người ta sợ mình mang bệnh trong người” – anh Đ. kể.

Trong lúc PV có mặt, anh Nguyễn Quốc Phong, thành viên thuộc tổ COVID cộng đồng phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân tới đưa các phần cơm cho năm người.

Sau đó, UBND phường Bình Hưng Hòa B đã xuống tận nơi, tìm hiểu và có phương án hỗ trợ người dân. Ảnh NT

Anh Phong cho biết, hằng ngày cũng tới đưa cơm nước uống cho gia đình anh Đ. Hiện cũng lập danh sách đưa lên phường để có kế hoạch hỗ trợ những hoàn cảnh này.

PV sau đó liên hệ với lãnh đạo phường Bình Hưng Hòa B. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND Phường Bình Hưng Hòa B đã đến gầm cầu, thuyết phục gia đình anh Đ. và ông S. để năm người cùng về nơi lưu trú do phường tổ chức.

Cả hai gia đình sau đó đồng ý với sự sắp xếp của UBND phường. Ảnh: NT

“Tôi đặt ra hai phương án cho bà con, một là quay trở về nơi trọ, tôi sẽ đưa về tận nơi và thuyết phục chủ trọ hỗ trợ. Hai là phường sẽ đưa vào nơi lưu trú do phường tổ chức. Tại đó sẽ được ăn ở, xét nghiệm COVID-19 và tiêm vaccine nếu có nhu cầu” – ông Đức nói.

Hiện tại, gia đình anh Đ. và ông S. được bố trí nơi ở tại một trường mẫu giáo trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa B. Ảnh NT

Sau đó, gia đình anh Đ. đã bàn bạc và đồng ý với phương án về nơi lưu trú của UBND phường Bình Hưng Hòa B.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm