3 cơ sở cần thiết để TP.HCM mở cửa dần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 7-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã có cuộc họp với lãnh đạo TP.HCM về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với cán bộ quận Tân Bình khi trực tiếp kiểm tra công tác phòng dịch tại địa bàn này. Ảnh: TÁ LÂM

Nhóm chuyên gia đang thiết kế thẻ xanh COVID-19

Phát biểu tại cuộc họp, về kế hoạch sau ngày 15-9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết UBND TP vừa lập Tổ công tác xây dựng kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15-9, trong đó có các trụ cột như phòng chống dịch, an sinh, kinh tế.

“TP.HCM là TP dịch vụ, cho nên cách tiếp cận của TP là phải an toàn. Người tham gia các hoạt động phải an toàn, địa điểm hoạt động phải an toàn với những tiêu chí dựa trên nền tảng là vaccine và các biện pháp an toàn khác” - ông Mãi nói.

Theo ông Mãi, TP.HCM có đề xuất thẻ xanh COVID-19. “Sẽ có tiêu chí nhưng hiện tại nhóm chuyên gia y tế cùng với nhóm chuyên gia kinh tế đang thiết kế cái này” - ông Mãi nói và cho biết sau ngày 15-9, công sở, các hoạt động kinh tế, dịch vụ, vận tải... muốn mở lại phải đáp ứng các điều kiện an toàn.

Các hoạt động như siêu thị, trung tâm thương mại từ từ sẽ mở ra theo mức độ an toàn. “Một trong những điều kiện an toàn khi người dân tham gia các hoạt động sau này là tiêm vaccine” - ông Mãi nói và mong muốn được trung ương cung cấp thêm vaccine để TP.HCM tiêm đủ mũi 2 cho người dân trên địa bàn.

Liên quan đến tiêm vaccine, báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết TP rất mong muốn có vaccine sớm để đảm bảo cho việc tiêm mũi 2. Hiện TP đã đẩy tốc độ tiêm lên 180.000 mũi/ngày và kỳ vọng sẽ giữ được tốc độ đó trong thời gian tới. Tuy nhiên, nguồn vaccine tiêm mũi 2 sắp cạn.

Từng bước mở ra và không được chủ quan

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá TP.HCM đã rất nỗ lực trong việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt, tăng tốc xét nghiệm, điều trị F0, lo an sinh cho người dân, tăng cường tiêm vaccine để chuẩn bị cho cuộc sống bình thường mới.

Theo ông Đam, toàn hệ thống chính trị và người dân TP.HCM đã hết sức vất vả, nỗ lực rất cao, không kể ngày đêm để kiểm soát dịch. “Bà con rất là khổ mấy tháng rồi. Người dân TP thực sự cùng chính quyền tuân thủ các quy định, ý thức được vì cộng đồng mặc dù rất khó khăn” - ông Đam nói.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao tinh thần sáng tạo và xem đây là đặc trưng của TP.HCM từ thời kỳ bắt đầu đổi mới đến bây giờ. Do vậy, cần phải khơi dậy các sáng kiến, tinh thần sáng tạo của người dân, của chính quyền cơ sở trong công tác phòng chống dịch, như câu chuyện lãnh đạo quận 7 đưa ôxy công nghiệp vào bệnh viện để cứu bệnh nhân COVID-19.

Ông Vũ Đức Đam cho rằng phải giãn cách thật nghiêm để kiểm soát dịch bệnh, khi kiểm soát được rồi thì mở dần ra sản xuất, kinh doanh, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Phó Thủ tướng và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thống nhất với phương án của TP.HCM là mở từng bước thật an toàn và chắc chắn.

Phó Thủ tướng cho rằng có một số cơ sở để mở dần ra. Thứ nhất là TP.HCM đã tiêm vaccine trên 80% mũi 1. Để phủ kín vaccine, ông cho rằng trung ương cần tập trung dồn vaccine cho TP.HCM để tiêm được mũi 2.

Cơ sở thứ hai, qua thực tiễn cho thấy TP.HCM đã cấp các túi thuốc, đã có cách chuẩn bị ôxy, hệ thống thu dung điều trị luôn sẵn sàng.

Cơ sở thứ ba rất quan trọng là người dân TP.HCM đã thực hiện các biện pháp 5K, thực hiện giãn cách nghiêm ngặt và cũng đã có một bước tập dần trong điều kiện khắc khổ.

“Dựa trên ba yếu tố đấy, chúng ta sẽ có những quy định để mở dần ra từng bước. Chúng ta mở sớm ngày nào, doanh nghiệp sớm sản xuất thì công nhân sẽ có lương; hoạt động kinh doanh được mở lại thì số người cần trợ cấp sẽ bớt đi. Còn nếu mở chậm thì số người cần trợ cấp sẽ rất nhiều và nếu đóng lại, số người cần trợ cấp tiếp tục nhiều lên” - ông Đam nói và cho rằng mở ra nhưng không được chủ quan.•

 

“Tôi lo nhất là đời sống và an sinh của người dân”

Ông Phan Văn Mãi cho biết điều mà ông lo nhất hiện nay là đời sống và an sinh của người dân. Theo ông Mãi, vừa qua TP đề xuất các cơ quan trung ương thêm cơ chế tài chính để hỗ trợ cho người dân nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi. “Chủ trương của TP là không để nhân dân thiếu đói” - ông Mãi nói.

Theo ông Mãi, đến giờ này vẫn còn nhiều người chưa nhận được tiền hỗ trợ, nguyên nhân là có nhiều trường hợp người dân bình thường không đăng ký tạm trú, trong khi việc quản lý nhân khẩu lâu nay căn cứ trên giấy tờ nên việc rà soát sao cho đầy đủ đối tượng có khó khăn. Ngoài ra, lực lượng dưới phường, xã cũng tập trung cho nhiều công tác chống dịch nên việc rà soát có thiếu sót. “Chúng tôi đã chỉ đạo thêm hai ngày nữa phải chi trả số tiền cho người dân nằm trong diện nhận hỗ trợ của các gói hỗ trợ” - ông Mãi nói và cho biết đến nay kết quả có 300.000 cá nhân và 600.000 hộ bị sót các gói hỗ trợ trước, số tiền bổ sung khoảng 1.500 tỉ đồng.

Ông Mãi cũng cho biết sắp tới, TP sẽ có gói hỗ trợ mới theo hướng chi trên đầu người. Qua rà soát ban đầu có trên 2.000 hộ, với 5,3 triệu nhân khẩu được dự kiến hỗ trợ. Nếu phát hỗ trợ trong hai tháng 9 và 10 sẽ chi khoảng 8.000 tỉ đồng. Gói hỗ trợ mới này có thể được chi đến người dân từ ngày 10-9.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy