3 vấn đề cần làm để tạo vành đai bình thường mới cho TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lãnh đạo TP.HCM những ngày gần đây cho biết TP đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại bình thường mới. Trong khi đó, các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương… cũng đã bắt đầu nghiên cứu, tính toán kế hoạch kịch bản để các khu vực vùng xanh có thể dần bước vào giai đoạn bình thường mới sau ngày 15-9. Các tỉnh, thành thuộc vùng TP.HCM trong giai đoạn chống dịch vừa qua cho thấy đã chuyển dần từ mục tiêu “zero-covid” sang “thích nghi, sống chung với sự tồn tại của virus SARS-CoV-2”.

Các tỉnh, thành thuộc vùng TP.HCM có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa, giao thông… Vậy nên điều cần thiết nhất trong thời gian tới là các địa phương này phải nghiên cứu và thống nhất các định hướng, chủ trương, cách đánh giá, chính sách để có thể cùng nhau bình thường mới.

Đảm bảo năng lực y tế

Khi bình thường mới, năng lực của hệ thống y tế là rất quan trọng. Trước hết là tỉ lệ người dân đã tiêm vaccine. Khảo sát của nhóm nghiên cứu do PGS-TS Lê Trung Chơn (ĐH Bách khoa TP.HCM) từ nguồn dữ liệu của cổng tiêm chủng quốc gia và Sở Y tế TP.HCM cho thấy tính đến ngày 9-9, TP đã tiêm mũi 1 cho gần 90% dân số từ 18 tuổi trở lên và gần 12% mũi 2.

Ở Long An, hơn 99,2% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 và 10,3% đã tiêm mũi 2. Ở Bình Dương, gần 72% đã tiêm mũi 1 và gần 2,4% đã tiêm mũi 2. Trong khi ở Đồng Nai, hơn 48% tiêm mũi 1 và gần 2,8% tiêm mũi 2. Với các con số này, có thể thấy ba địa phương gồm TP.HCM, Long An và Bình Dương đang có độ phủ vaccine rộng nhất, trong khi đó tốc độ tiêm chủng của Đồng Nai và các tỉnh lân cận TP.HCM cũng rất ấn tượng (xem biểu đồ).

Tới giai đoạn bắt đầu bình thường mới, ví dụ chọn mốc ngày 15-9 hoặc sau đó thì độ phủ vaccine của các tỉnh có lẽ phải cao hơn nữa. Ở một số nước, ví dụ Úc, chính phủ chọn mốc 70% dân số tiêm vaccine đủ hai mũi để có thể mở cửa trở lại hoàn toàn. Vì vậy, mục tiêu quan trọng lúc này là các tỉnh, thành cần phủ vaccine càng nhanh càng tốt. Trong tình hình hiện nay ở các tỉnh, thành, một số chuyên gia khuyến cáo nên tiến tới mục tiêu phủ 100% vaccine cho người dân mũi 1 và đảm bảo tiêm mũi 2 theo tiến độ để có thể mở cửa dần trở lại. Quan trọng nhất là tất cả lực lượng y tế tuyến đầu, người lớn tuổi, có bệnh lý nền cần được tiêm đủ hai mũi để không gây quá tải hệ thống y tế.

Ngoài vaccine, các tỉnh, thành cũng cần dựa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xây dựng các tiêu chí khác đối với hệ thống y tế. Thứ nhất, đánh giá năng lực chăm sóc lâm sàng (tỉ lệ giường bệnh đã dùng cho bệnh nhân COVID-19 và các bệnh nhân khác).

Ví dụ ở TP.HCM, tính từ ngày 23-8 đến nay, số ca tử vong đã có xu hướng giảm, từ khoảng 340 ca/ngày xuống còn khoảng 200 ca/ngày; trong khi đó, số ca xuất viện có xu hướng tăng nhanh chóng, từ khoảng 1.700 ca/ngày đến trên 3.000 ca/ngày, thậm chí có những hôm có từ 5.000-6.000 ca xuất viện. Thứ hai, hiệu quả chăm sóc lâm sàng (đánh giá xu hướng F0 tử vong sau khi nhập viện điều trị). Thứ ba, năng lực xét nghiệm để phát hiện ca nhiễm, ổ dịch để có phương án dự báo, chữa trị. Năng lực truy vết trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện ca nhiễm. Và cuối cùng, ý thức tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch công cộng từ phía người dân (ví dụ 5K, mức độ hợp tác tiêm vaccine, tự giác khai báo y tế…).

Việc xác định được năng lực hệ thống y tế hiện hữu và tới đây dựa vào các tiêu chí gợi ý nói trên sẽ góp phần giúp các địa phương chủ động lên các kịch bản mở cửa tương ứng. Địa phương nào còn yếu thì cần chủ động có lộ trình, nâng cấp y tế trong thời gian tới.

Chốt kiểm soát COVID-19 cửa ngõ tại chân cầu Vĩnh Bình, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đánh giá và dự báo việc lây nhiễm

Sau khi xác định được năng lực hệ thống y tế, mỗi địa phương cần phải đánh giá được tình hình lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện số ca nhiễm ở TP.HCM nhìn chung còn cao khi thực hiện chính sách xét nghiệm diện rộng toàn dân theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, số ca tử vong đã có xu hướng giảm, trong đó nổi bật ở một số quận, huyện đã kiểm soát được dịch. Số ca nhiễm ở các tỉnh xung quanh cũng cho thấy xu hướng chững lại hoặc giảm dần. Điều quan trọng nhất là các tỉnh, thành phải xây dựng được hệ thống dự báo, đánh giá mức độ lây nhiễm một cách đồng bộ, tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi đánh giá mỗi kiểu.

Việc này các tỉnh, thành có thể dựa vào bài học từ các quốc gia khác hoặc cũng có thể dựa vào các khuyến cáo hay hướng dẫn từ WHO. Ví dụ, WHO hướng dẫn phân loại mức độ lây nhiễm trong cộng đồng (community transmission, gọi tắt là CT) thành bốn mức: CT1 là lây nhiễm thấp, không đáng kể; CT2 là lây nhiễm trung bình, vừa phải; CT3 là lây nhiễm cao; và CT4 là tỉ lệ lây nhiễm rất cao. Tất cả đều dựa theo con số thống kê trong 14 ngày.

WHO cũng hướng dẫn cần dựa vào một số tiêu chí để đánh giá tình hình lây nhiễm nằm ở mức độ CT nào. Ví dụ, số ca F0 mới, số ca nhập viện, tử vong và tỉ lệ số ca được xét nghiệm phát hiện dương tính… Tuy các tỉnh, thành trong khu vực có đặc thù về dân số khác nhau nhưng cách tính toán, dự báo đều có thể dựa vào các tiêu chí chung (ví dụ dựa vào số ca F0, nhập viện hoặc tử vong trên 100.000 dân) để có cách đánh giá đồng bộ.

Ngoài ra, các tỉnh, thành cũng cần xây dựng hệ thống phân vùng nguy cơ (nguy cơ từ thấp đến cao) dựa vào hệ thống thông tin địa lý (GIS). Các gợi ý từ nhóm chuyên gia về GIS gồm PGS-TS Lê Trung Chơn, ThS Bùi Hồng Sơn (Sở TN&MT TP.HCM)… đều cho thấy các tỉnh, thành có thể cùng nhau xây dựng bản đồ vùng nguy cơ dựa vào các đặc thù về mức độ tiếp xúc và di chuyển của người dân cả vùng TP.HCM.

Các đối tượng nguy cơ ở vùng này có thể xác định là các khu chợ, siêu thị, khu thương mại, khu cao ốc, chung cư, khu nhà trọ tự phát, khu dân cư có mật độ dân số cao, trường học, khu công nghiệp - chế xuất… Phải xác định và định vị được các đối tượng nguy cơ này nằm ở vị trí nào và phân bố như thế nào với số lượng bao nhiêu trên toàn địa bàn vùng TP.HCM.

Việc xác định được vùng nguy cơ sẽ giúp các tỉnh, thành thống nhất các chính sách ứng phó đối với từng khu vực cụ thể. Vùng xanh áp dụng chính sách khác, vùng đỏ chính sách khác. Quan trọng là cả vùng TP.HCM có cùng cách đánh giá, cách hiểu và ứng xử.

Có các phương án chia sẻ nguồn lực

Chống dịch một khi đã theo tư duy vùng, ở đây là vùng TP.HCM, phải tính đến chuyện chia sẻ nguồn lực. Thứ nhất là vaccine. Việc TP.HCM đồng ý để Bình Dương mượn 1 triệu liều vaccine, Đồng Nai mượn 500.000 liều… sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình thiết lập “vành đai vaccine” ở khu vực. Song song đó, nguồn phân bổ từ Bộ Y tế dựa vào nguồn cung và cấu trúc vaccine của từng tỉnh, thành là rất quan trọng.

Thứ hai là nguồn lực y tế. Việc sắp xếp, đánh giá lại năng lực hệ thống y tế (số giường bệnh còn trống, số lượng y bác sĩ, hệ thống máy móc, thiết bị y tế…) và thông báo cho nhau là rất quan trọng để có thể sắp xếp, điều phối các ca bệnh. Các tỉnh, thành nên xây dựng các quy chế phối hợp liên kết để (i) bệnh viện tỉnh này có thể nhận bệnh nhân tỉnh kia để chữa trị; (ii) hội chẩn chuyên môn từ xa… Mô hình này giúp người dân toàn vùng TP.HCM có thể tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời, trong trường hợp các cơ sở của một địa phương gặp quá tải hoặc không đủ điều kiện và khả năng chữa trị.

Thứ ba là các nguồn lực về an sinh. Có một thực tế là khi xét trên toàn vùng TP.HCM thì có nơi thừa thực phẩm, nhu yếu phẩm nhưng có nơi lại thiếu cục bộ; có nơi thì các đoàn thiện nguyện có thể trao rất nhiều túi an sinh đến người dân, thậm chí còn dư nguồn lực nhưng có nơi lại thiếu… Điều này có thể xuất phát từ việc siết chặt giãn cách, ảnh hưởng đến việc vận chuyển thức ăn, thực phẩm, hàng hóa. Vì vậy, một mặt cần có luồng xanh 24/7 để vận chuyển các mặt hàng cần thiết cho nhân dân cả vùng; mặt khác cần tính toán cơ chế phối hợp giữa các trung tâm tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ đến người dân trong trường hợp có địa phương phải áp dụng kịch bản giãn cách xã hội vì dịch bùng phát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm