Sau khi tâm bão quét qua khu vực bắc Quảng Bình, nam Hà Tĩnh, lúc 16 giờ ngày 15-11, bão số 13 (Vamco) suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục di chuyển, suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực trung Lào.
Tính đến 17 giờ ngày 15-11, báo cáo từ các địa phương đã có 18 người bị thương do bão khi đang chằng chống nhà cửa. Cụ thể ở Quảng Trị có bảy người, Quảng Nam ba người, Quảng Bình tám người. Ngoài 18 người bị thương, bão số 13 cũng làm năm ngôi nhà tạm bị sập hoàn toàn, hơn 1.500 ngôi nhà bị tốc mái. Thừa Thiên-Huế thiệt hại nặng nhất với hơn 1.200 nhà, trong đó có nhiều trường học, Quảng Trị 252 nhà… Bão cũng làm rất nhiều cây xanh bật gốc, 13 tàu thuyền bị chìm tại khu neo đậu, tập trung ở Thừa Thiên-Huế với 11 tàu, Đà Nẵng và Quảng Bình hai tàu. Đà Nẵng xảy ra hai sự cố lưới điện đường dây 110 kV, Quảng Trị bị gãy đổ 17 trụ điện…
Ông Phạm Kiên, Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương, cho biết để đảm bảo an toàn cho người dân, bộ đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động cắt điện của 283 xã thuộc sáu tỉnh chịu ảnh hưởng của cơn bão số 13.
Trước đó, ngay từ rạng sáng 15-11, hoàn lưu bão đã gây mưa to, gió lớn từ Quảng Ngãi đến Quảng Bình.
Nước biển dâng cao, sóng đánh vào bờ làm hư hỏng nhiều nhà hàng, khách sạn ven biển TP Hội An. Ảnh: T.NHẬT
Nhiều nhà hàng, khách sạn ven biển TP Hội An bị sóng đánh sập
Đất liền tỉnh Quảng Ngãi cách xa tâm bão số 13 nên ảnh hưởng không đáng kể. Riêng huyện đảo Lý Sơn, từ rạng sáng 15-11 có gió bão mạnh cấp 11, giật cấp 14, biển động dữ dội, sóng biển cao 4-7 m kèm mưa to (60-120 mm).
Theo báo cáo, trước khi bão vào, huyện Lý Sơn đã chủ động sơ tán gần 900 người đến nơi an toàn, nhờ đó không có thiệt hại về người ở huyện đảo này. Tất cả tàu thuyền neo đậu tại đảo cũng an toàn. Một số nhà bị tốc mái nhưng thiệt hại không đáng kể, bà con đang khắc phục.
Bão số 13 đã làm một số diện tích hành bị sa bồi thủy phá và ngập nước nhưng không đáng kể. Trước đó, bão số 6 và bão số 9 gây thiệt hại hơn 300 ha hành trên huyện đảo này.
Hệ thống giao thông đường cơ động phía đông nam của đảo bị hư hỏng. Sóng to, gió lớn khiến đá sạn bị đẩy lên mặt đường. Trong đó, hư hỏng nặng nhất là đoạn 3 km từ khách sạn Mường Thanh đến đình làng An Hải. Tổng thiệt hại tại huyện đảo Lý Sơn khoảng 3 tỉ đồng.
Còn tại Quảng Nam, do ảnh hưởng bão số 13, các nhà hàng, khách sạn ven biển TP Hội An bị sóng biển đánh tan hoang.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong ngày 15-11, dọc bờ biển An Bàng, cây cối và nhiều công trình bị sóng biển xé toạc. Công trình vệ sinh, những mảng tường của nhà hàng, khách sạn bị sóng đánh hỏng chân, sạt xuống bờ biển. Một villa tại đây bị sóng đánh sụp phần móng, phòng ốc nứt toác.
Đà Nẵng ở rất gần tâm bão số 13 lúc nửa đêm đến sáng 15-11 nhưng theo ghi nhận của PV, sức gió và lượng mưa trút xuống TP này không bằng bão số 9. Thời gian gió to cũng ngắn hơn bão số 9. Thêm vào đó, người dân đã có kinh nghiệm chống bão, chằng chống nhà cửa nên góp phần giảm thiểu thiệt hại.
Thống kê của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng cho hay chỉ có hai nhà tạm bị sập mái hiên, ba nhà tốc mái một phần (dưới 30%), một nhà bị tốc mái nhà bếp.
Bão số 13 quét qua ven biển Đà Nẵng cũng khiến một ghe nhỏ bị chìm, đứt một phao bù neo số 27B trong âu thuyền Thọ Quang. Nhà màng sản xuất rau (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) rộng 300 m2 bị tốc mái hoàn toàn. 3 ha rau màu vừa xuống giống bị hư hại. Mưa bão cũng khiến 32.563 khách hàng tại Đà Nẵng bị mất điện. Ngoài ra, toàn TP Đà Nẵng có 61 cây xanh gãy cành nhánh, nghiêng, ngã đổ.
Đáng kể, đường Như Nguyệt (quận Hải Châu) đoạn từ sàn cảnh quan thứ hai đến gần cầu Thuận Phước dài khoảng 800 m bị nước sông Hàn tràn lên mặt đường. Sóng đánh hư hỏng vỉa hè, đá sàn cảnh quan và đoạn 48 m lan can. Đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà) đoạn 700 m bị sóng đánh tràn rác, cát lên vỉa hè, mặt đường với khối lượng ít. Đường Bà Nà - Suối Mơ sạt lở taluy dương tại hai vị trí làm lấp rãnh thoát nước với khối lượng sạt khoảng 60 m3…
Kiểm soát tốt khu vực tâm bão đi qua
Tại Quảng Bình, tâm bão số 13 đổ bộ, dọc tuyến quốc lộ 1 từ TP Đồng Hới đến huyện Lệ Thủy, nhiều khu vực mất điện. Nhân viên điện lực đang gấp rút khắc phục sự cố, đấu nối lại đường điện.
Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, gió bắt đầu giảm, nhiều người dân tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, cây cối ngã đổ trên đường. Trao đổi với PV, ông Hoàng Ngọc Đan, Chủ tịch UBND TP Đồng Hới, cho hay bão đổ bộ chưa gây thiệt hại gì lớn cho địa phương.
“Công tác phòng bão đã được chính quyền chuẩn bị rất kỹ. Khi bão vào, những đơn vị liên quan trực chiến 100%, các phương án di dân được thực hiện từ rất sớm nên ở thời điểm hiện tại, mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát” - chủ tịch TP Đồng Hới thông tin vào chiều tối 15-11.
Ghi nhận tại bãi biển Bảo Ninh (xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới), cơ sở vật chất của người dân tại bờ biển như dù tạm, khu vực bán hàng đã được người dân tháo dỡ, vận chuyển đến nơi an toàn trước bão nên giảm thiểu thiệt hại.
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, khẳng định bão không ảnh hưởng quá nhiều đến địa phương. “Đến thời điểm hiện tại, địa phương vẫn chưa ghi nhận được nhiều thiệt hại nặng về người và của, chúng tôi đang thống kê những số liệu cụ thể, tuy nhiên đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân nơi đây” - ông Tình chia sẻ.
Tại huyện Lệ Thủy, nước sông Kiến Giang vẫn đang lên nhưng ở mức chậm, một số đoạn đường gần các cánh đồng bị ngập nhẹ. Người dân vẫn có thể đi qua khu vực ngập nước.
Khu vực xã An Thủy (huyện Lệ Thủy) là một trong những điểm chịu ảnh hưởng nặng từ đợt lũ vừa qua với hơn 12.000 nhân khẩu, địa bàn phần lớn là những căn nhà cấp bốn. Trước tình hình nước sông lên chậm, nhiều người dân đã kịp chủ động đề phòng trong việc bảo vệ tài sản trước tình huống xấu nhất.•
Thủ tướng cử hai đoàn công tác đi chỉ đạo chống bão
Trong sáng 15-11, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, cùng đoàn công tác đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 13 tại Hà Tĩnh. Ông và đoàn công tác đã kiểm tra việc vận hành quy trình hồ Kẻ Gỗ và đánh giá cao sự chủ động của Hà Tĩnh trong công tác ứng phó với bão số 13 khi lãnh đạo tỉnh này thông tin về việc sơ tán hơn 12.000 người dân ở vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng ven biển, thấp trũng... Trước đó, từ tối 14-11, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai đã thành lập hai đoàn công tác do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đến chỉ đạo tại các địa phương phòng, chống bão số 13. Tại Quảng Bình, đoàn công tác kiểm tra khu neo đậu trú tránh tàu thuyền cửa Sông Gianh, chỉ đạo tỉnh phải quyết liệt sơ tán dân ở những nơi nguy hiểm. Tại Quảng Trị, đoàn công tác đề nghị tỉnh này tiếp tục chủ động sơ tán dân, bố trí lực lượng ứng trực... Đoàn cũng đến thăm, động viên bà con tránh bão tại hai điểm sơ tán là trường tiểu học ở xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ) và trường mầm non ở xã Gio Việt (huyện Gio Linh)...