Bị xử tội cướp vì đòi tiền “phạt”

Ngày 26-6, TAND thị xã Dĩ An (Bình Dương) đã tuyên phạt Lê Huỳnh Vũ Kha năm năm tù, Phạm Quý Lâm, Nguyễn Văn Tú và Mai Thy Dương mỗi bị cáo bốn năm tù, cùng về tội cướp tài sản. Điểm đặc biệt của vụ án này là cả bốn bị cáo và bị hại đều bị câm điếc bẩm sinh.

Phạt không được thì đánh

Nhân sinh nhật của con mình, Kha tổ chức buổi tiệc mời bạn bè tụ tập ăn uống, vui chơi. Trong buổi tiệc, có người kể Kha biết Huỳnh Hữu Phước nói Kha có vợ rồi mà còn sex đứa này đứa kia. Tức mình, hôm sau Kha kể chuyện này cho Lâm, Tú, Dương nghe và hẹn trưa hôm sau cùng đến nơi Phước trọ để… đòi tiền phạt cho biết mặt.

Hôm sau đến nơi, Kha ra dấu hỏi Phước lý do vì sao nói xấu mình và yêu cầu Phước phải “đưa tiền ăn nhậu với bạn, sẽ bỏ qua cho”. Kha đòi Phước nộp phạt 3 triệu đồng nhưng Phước ra dấu không có tiền. Kha ra dấu giảm tiền phạt xuống còn 200.000 đồng, Phước cũng không đồng ý và nói không có tiền. Kha dùng tay đánh vào miệng Phước và bị Phước đánh lại. Ba người đi cùng thấy vậy đã dùng tay chân đánh Phước. Hai bên đánh nhau. Kha lấy miếng gạch lót nền đánh vào đầu Phước chảy máu rồi cùng ba người bạn bỏ về. Những người ở trọ xung quanh thấy vậy chở Phước đi bệnh viện. Kết quả Phước bị may ba mũi.

Bị xử tội cướp vì đòi tiền “phạt” ảnh 1

Trả lời câu hỏi có muốn các bạn mình vào tù không, nạn nhân Huỳnh Hữu Phước nói: “Cái đó do cha mẹ em quyết định chứ em không biết”. Trong ảnh: Phước đang bút đàm với PV. Ảnh: PL

Hơn một tháng sau, Kha, Lâm, Tú bị bắt tạm giam. Nghe chuyện, hai ngày sau Dương đến công an trình diện và bị bắt tạm giam luôn. Đến nay, cả bốn vẫn đang bị tạm giam.

Tại cơ quan điều tra, Phước thừa nhận nói xấu Kha vì Kha không mời Phước dự sinh nhật con.

Chỉ là cố ý gây thương tích?

Cả bốn bị truy tố tội cướp tài sản có sử dụng phương tiện nguy hiểm (điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS) với mức án đề nghị dành cho Kha từ bảy năm sáu tháng đến tám năm tù, ba bị cáo còn lại từ bảy năm đến bảy năm sáu tháng tù.

Tại tòa, luật sư đã chỉ ra những vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra. Cụ thể, quá trình điều tra dù biết các bị cáo là người có nhược điểm về thể chất nhưng cơ quan điều tra không yêu cầu luật sư chỉ định tham gia trong giai đoạn này, mãi đến khi kết thúc điều tra, VKS phát hiện vi phạm thì cơ quan điều tra mới “chữa cháy” bằng cách gửi công văn yêu cầu luật sư. Thực tế, lời khai của các bị cáo trong buổi làm việc duy nhất có sự chứng kiến của luật sư chỉ là hình thức, không được sử dụng. (Ngày 21-3-2013 có kết luận điều tra, ngày 7-4 cơ quan điều tra gửi công văn mời luật sư, ngày 10-5 lấy lời khai một buổi duy nhất có sự chứng kiến của luật sư, trong khi sau đó vẫn sử dụng kết luận điều tra cũ.)

Luật sư cho rằng việc các bị cáo buộc Phước nộp tiền phạt có nguyên nhân từ những lời nói không đúng. Ở đây, các bị cáo không phải đánh để lấy tiền mà do người bị hại không có tiền nộp phạt nên các bị cáo thay bằng hình thức đánh. Cả bốn bị cáo cũng không thỏa thuận lấy tiền phân chia. Thực tế các bị cáo thấy Phước chảy máu thì bỏ về chứ không lục lọi tiền bạc. Hành vi này chỉ là cố ý gây thương tích nhưng Phước không yêu cầu giám định nên không có căn cứ xử lý.

Tuy nhiên, TAND thị xã Dĩ An đã nhận định: Các bị cáo rủ đông người đến nhà bị hại đe dọa chiếm đoạt tiền, khi bị hại không đưa thì đánh để bị hại sợ mà đưa. Sau khi dùng gạch đánh bị hại, thấy bị hại chảy máu nên hoảng sợ tẩu thoát. Việc không chiếm đoạt được tiền là ngoài ý muốn. Hành vi đủ yếu tố cấu thành tội cướp. Tuy nhiên, tòa cho rằng mức án do VKS đề nghị quá nghiêm khắc so với người có nhược điểm về thể chất, trình độ nhận thức pháp luật hạn chế nên đã tuyên phạt dưới mức đề nghị như trên.

Xử tội cướp là quá nặng

Sau phiên tòa, nhiều ý kiến cho rằng tòa xử các bị cáo tội cướp tài sản là quá nặng. “Nếu các bị cáo ép buộc bị hại để lấy “tiền phạt” cho bằng được thì có thể xử tội cưỡng đoạt tài sản. Đằng này, sau khi bị hại bảo không có tiền, các bị cáo chỉ muốn đánh dằn mặt cho bõ ghét. Trong ý thức chủ quan của các bị cáo lúc này không phải đánh để bị hại đưa tiền (vì biết rõ bị hại không có tiền) nên không thể xử họ tội cướp được” - một thẩm phán TAND TP.HCM nêu ý kiến.

Tuy nhiên, thẩm phán này cho rằng hành vi đánh người của các bị cáo thì phải bị xử lý. “Nên chăng cần giám định thương tích của nạn nhân để xác định hậu quả, từ đó có cách xử lý thỏa đáng, phù hợp với diễn biến của hành vi cố ý gây thương tích” - vị thẩm phán này nói.

Đồng tình, luật sư Lê Thị Tường Vy (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng cấu thành của tội cướp là phải có hành vi làm cho người bị tấn công tê liệt ý chí để chiếm đoạt tài sản. Còn trong vụ này sau khi đánh xong, các bị cáo bỏ đi mà không lấy bất cứ tài sản nào, dù lúc này họ hoàn toàn có thể tự do hành động. Bị hại chảy máu không thể là lý do khách quan để các bị cáo dừng ngay hành vi cướp (nếu có). “Việc tòa cho rằng không chiếm đoạt tiền là ngoài ý muốn của các bị cáo có tính quy kết chủ quan. Nhận định cho rằng bị cáo đánh nạn nhân để chiếm đoạt tiền nhưng sau đó bỏ về là vì thấy nạn nhân chảy máu, để từ đó buộc các bị cáo phạm tội cướp tài sản là một nhận định dựa trên sự suy đoán chủ quan, vi phạm nguyên tắc suy đoán có lợi cho các bị cáo” - luật sư Vy nói.

PHƯƠNG LOAN

Nên chăng chỉ răn đe, giáo dục

Người khuyết tật đôi khi bị ức chế, nhận thức có phần hạn chế theo kiểu giản đơn, nghĩ sao làm vậy. Các bị cáo đến đòi tiền phạt vì Phước đã nói xấu vô căn cứ, tức đã có dấu hiệu của việc xúc phạm danh dự. Thay vì hành động như một người bình thường (kiện đòi bồi thường hay cùng lắm là đến nói chuyện phải quấy với nhau là đủ), họ lại tự làm… quan tòa, đứng ra đòi tiền phạt. Số tiền 200.000 đồng mà các bị cáo yêu cầu nạn nhân đưa chỉ mang tính chất “phạt” tượng trưng, như khoản bồi thường tổn thất tinh thần, danh dự. Khi nạn nhân không có tiền, họ quay sang đánh dằn mặt cho bõ tức. Việc đánh này không nhằm mục đích buộc nạn nhân phải đưa tiền. Nói cách khác, từ thời điểm sử dụng vũ lực, các bị cáo đã không còn ý thức chiếm đoạt tài sản nữa rồi, vì họ biết rõ bị hại không có tiền.

Với vụ này, nên chăng chỉ áp dụng biện pháp tư pháp khác để răn đe, giáo dục các bị cáo là đủ.

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Giờ ở tù, con tôi sẽ ra sao...

Cho rằng hành động dại dột của con mình không đáng phải bị tù tội, bốn người mẹ của các bị cáo đến báo Pháp Luật TP.HCM kêu cứu. Mẹ Kha ngậm ngùi kể: Kha là con đầu, em kế Kha thì bị khờ khạo, ngơ ngơ, đứa em út 11 tuổi bị bệnh não, chậm phát triển, vẫn chưa đi học. Kha học lớp 1 trường khuyết tật rồi ở nhà phụ việc nhà và làm mướn, không từ việc gì để giúp cha mẹ lo cho gia đình. Lấy được người vợ lanh lợi, chăm chỉ, có với nhau đứa con kháu khỉnh hơn hai tuổi, chị tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với đứa con bất hạnh của mình. “Ngờ đâu số phận trêu ngươi, sau khi dự tòa về, vợ Kha đã bỏ con cho chúng tôi và ra đi…” - mẹ Kha nói như khóc.

Bị xử tội cướp vì đòi tiền “phạt” ảnh 2

Mẹ các bị cáo đang trình bày hoàn cảnh của những đứa con khuyết tật. Ảnh: XUÂN NGỌC

Còn mẹ Lâm thì kể: Hôm ấy là ngày người khuyết tật được vào cửa miễn phí các khu vui chơi nên Lâm xin mẹ 300.000 đồng đi địa đạo Củ Chi. Lâm học năm năm mới xong một lớp ở trường khuyết tật. Đi học hớt tóc nhưng không thành nghề, Lâm ở nhà phụ ba làm rẫy. “Phải chi nó về nói cho tôi biết ngay…” - mẹ Lâm nghẹn ngào nói. Bà kể ngoài chứng câm điếc bẩm sinh, mắt Lâm còn bị mờ mờ, trắng đục. “Con tôi chỉ vì kém trí mà ra nông nỗi này. Nó thiếu hiểu biết, không nghĩ rằng đánh bạn là phạm tội. Các cháu đều là trẻ khuyết tật, ba mẹ nào cũng đau lòng. Cháu Phước chảy máu đầu, phải khâu ba mũi. Bốn gia đình chúng tôi đã bồi thường 8 triệu đồng cho cháu Phước lo thuốc men. Mong pháp luật cứu xét, xử nhẹ cho các cháu…”.

Mẹ Kha nói thêm: “Các cháu chỉ hành động bột phát, nông nổi vì suy nghĩ quá giản đơn. Mong rằng pháp luật khoan hồng, miễn chuyện tù tội cho chúng nó. Bình thường các cháu giao tiếp đã khó, cứ quơ tay ú ớ diễn tả ý mình đến mỏi tay mà người nghe không hiểu. Uất ức, các cháu phải đấm thùm thụp vào ngực mình trông đến tội. Giờ ở tù, không biết các cháu sẽ ra sao…” - mẹ Kha nói.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm