Ngày 26-10, Chủ tịch UBND UBND tỉnh Bình Thuận đã có công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 9 (tên quốc tế là Molave), được dự báo là cơn bão mạnh, phạm vị ảnh hưởng rộng đến khu vực Nam Trung Bộ, trong đó có tỉnh Bình Thuận.
Tàu thuyền neo đậu tại sông Cà Ty, Phan Thiết.
Theo tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng 26-10, bão Molave đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 trong năm 2020.
Hồi 10 giờ sáng, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 620 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 27-10, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 280 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150 km/giờ), giật cấp 15.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa, bão cũng như bảo đảm an toàn về người, tài sản và các phương tiện hoạt động trên biển, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 để theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thiên tai, hướng di chuyển của bão số 9, không để xảy ra bị động.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu UBND, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết và diễn biến của bão số 9.
Đồng thời kiểm tra tình hình gió mạnh, sóng lớn, triều cường, phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực; thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Các đơn vị liên quan cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi các khu vực hay bị sạt lở ven biển, nhất là các khu vực dân cư, khu du lịch ven biển để thông báo cho người dân, khách du lịch biết, chủ động sơ tán người và tài sản các hộ dân bị sạt lở, uy hiếp trực tiếp đến nơi an toàn.
Các địa phương phối hợp với Sở GTVT, Sở NN&PTNT khẩn trương khắc phục các khu vực đang bị sạt lở (như Tuy Phong, Phan Thiết,...) do gió mạnh, sóng lớn, nước biển dâng gây ra.
Sóng cao tại đảo Phú Qúy trong cơn bão số 9 năm 2018.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở GTVT, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi và TP Phan Thiết tiếp tục theo dõi, quản lý chặt chẽ việc ra khơi hoạt động của các tàu, thuyền, duy trì thông tin liên lạc với các chủ phương tiện để hướng dẫn không đi vào vùng nguy hiểm của bão số 9; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu cũng như xử lý kịp thời các tình huống xấu, sự cố, tại nạn có thể xảy ra trên biển...
Riêng huyện đảo Phú Quý, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9, có phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu tại khu vực cảng và lồng bè nuôi trồng thủy sản. Cùng đó phối hợp với Sở Công Thương, Sở GTVT rà soát kế hoạch để chủ động dự trữ lương thực, hàng hóa tại huyện đảo, nhằm ổn định cuộc sống, sinh hoạt khi gió to, sóng mạnh chia cắt với đất liền dài ngày.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện; theo dõi tình hình mưa, lũ, lưu lượng về hồ để vận hành an toàn hồ chứa theo quy trình, bảo đảm an toàn công trình và an toàn của người dân ở khu vực hạ du hồ chứa.
Thông tin kịp thời cho UNBD cấp huyện và cấp xã, cơ quan báo đài, người dân hạ du biết trước khi vận hành xả lũ, tăng lưu lượng xả lũ.