Bỏ sổ hộ khẩu, quản lý bằng số định danh

Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo lần hai Luật Cư trú năm 2020, thay thế cho Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi và bổ sung năm 2013.

Nội dung thay đổi đáng chú ý nhất của dự thảo là việc bãi bỏ các quy định liên quan đến sổ hộ khẩu và sổ tạm trú tồn tại nhiều năm nay.

Tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng

Theo Bộ Công an, để chấm dứt tình trạng thủ công, rườm rà trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục đăng ký cư trú, cần phải sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề về Luật Cư trú.

Đặc biệt, Chính phủ cũng đã có nghị quyết về bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cụ thể, Nghị quyết 112/2017, Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu, đăng ký tạm trú bằng sổ tạm trú. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là sổ hộ khẩu và sổ tạm trú, thay thế bằng việc cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu về cư trú.

Việc sửa đổi Luật Cư trú nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng công khai, minh bạch; xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà.

Trước đó, trong dự thảo, Bộ Công an cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Theo đó, hiện người dân khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như CMND, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, bằng lái xe… Khi hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân, người dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ này, mà chỉ mang theo thẻ căn cước công dân (CCCD) hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng.

Theo tính toán sơ bộ, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp giảm chi phí khoảng 1.600 tỉ đồng/năm từ việc sao, chụp hoặc chứng thực bản sao…

Theo Bộ Công an, khi bỏ sổ hộ khẩu, công dân vẫn sẽ được quản lý theo hộ khẩu nhưng bằng công nghệ thông tin (tức cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

Người dân làm thủ tục hộ khẩu tại Công an quận 1, TP.HCM. Ảnh: HTD

Gấp rút hoàn thiện

Về nội dung, dự thảo Luật Cư trú có rất nhiều quy định mới về đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú.

Với thủ tục đăng ký thường trú, người dân nộp phiếu báo thay đổi thông tin dân cư; bản khai nhân khẩu; giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền cập nhật thông tin địa chỉ thường trú mới của người đăng ký vào cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú. Trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời cho người đăng ký bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, khi hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú, người dân sẽ được cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu về cư trú, thay vì được cấp một sổ hộ khẩu bằng giấy như hiện nay. Mọi sự thay đổi về nơi thường trú cũng sẽ được cập nhật trên hệ thống.

Thời gian giải quyết đăng ký thường trú được rút từ 15 ngày xuống còn bảy ngày.

Với thủ tục đăng ký tạm trú, người dân xuất trình một trong các giấy tờ sau: bản khai nhân khẩu, CMND, thẻ CCCD, hộ chiếu hoặc giấy tờ có xác nhận của công an cấp xã nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở hợp pháp đang cư trú… Trong ba ngày làm việc, trưởng công an cấp xã phải cập nhật thông tin về nơi tạm trú của người đăng ký vào cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Điều này đồng nghĩa với việc khi hoàn tất đăng ký tạm trú, thông tin của người dân sẽ cập nhật lên cơ sở dữ liệu về cư trú, thay vì được cấp một sổ tạm trú bằng giấy như hiện nay.

Theo Bộ Công an, hiện các cơ quan đang gấp rút lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo.

Cần thực hiện đồng bộ trên cả nước

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Đoàn Thi, Phó phòng Cảnh sát Quản lý hành chính, Công an TP Đà Nẵng, cho hay rất ủng hộ việc bỏ sổ hộ khẩu trong việc quản lý dân cư.

Theo Thượng tá Thi, việc này đã nhiều lần thảo luận và Đề án 896 của Bộ Công an nêu hàng loạt tiện lợi cho người dân và cả lực lượng quản lý dân cư.

Khi mọi công dân đều có số định danh và đã cập nhật toàn bộ thông tin thì lúc đó cần gì đến sổ hộ khẩu.

Tuy nhiên, Bộ Công an vẫn chưa có lộ trình chính thức cho TP Đà Nẵng thực hiện cấp số định danh cá nhân. Theo đề án, sau khi thí điểm ở TP.HCM, Hà Nội thì các địa phương khác cũng sẽ thực hiện trong năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Việc cấp số định danh cá nhân phải thực hiện đồng bộ trên cả nước, nếu không sẽ cực hơn trong các thủ tục hành chính. Ví dụ, một người ở Hà Nội đã được cấp thẻ CCCD và có số định danh cá nhân. Khi người đó nhập hộ khẩu vào TP Đà Nẵng thì các bước xác minh để nhập khẩu sẽ rắc rối hơn và lâu hơn vì Công an TP Đà Nẵng phải gửi thông tin đến Bộ Công an để xác minh, gây phiền hà cho công an lẫn người dân.

HẢI HIẾU 

Thu thập 19 trường thông tin cơ bản của công dân

Theo dự thảo, cơ sở dữ liệu về cư trú là tài sản quốc gia, do Bộ Công an thống nhất quản lý.

Mỗi công dân sẽ có 19 trường thông tin được thu thập vào cơ sở dữ liệu về cư trú, gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; số, ngày, tháng, năm và nơi cấp thẻ CCCD, CMND; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; nơi thường trú; nơi tạm trú; nhóm máu (nếu công dân có yêu cầu).

Cơ sở dữ liệu cũng thu thập một số trường thông tin quan trọng khác như họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số CMND, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; chủ hộ hoặc mối quan hệ với chủ hộ… 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy