Đồng ý bỏ hộ khẩu nhưng tránh cào bằng

Có điều thực tế trước giờ chính quyền vẫn quản lý dân cư bằng SHK vì nó được xem là cách quản lý dân số hiệu quả nhất. Thông qua việc quản lý thường trú, tạm trú, tạm vắng bằng giấy tờ, sổ sách từ đăng ký, khai báo của người dân thì chính quyền mới có thể quản lý dân cư và kiểm soát được trật tự trị an.

Hiện tại, do pháp lý, các điều kiện khoa học kỹ thuật và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia chưa đồng bộ nên sẽ rất khó khăn để thực hiện ngay việc bỏ hộ khẩu. Việc chấm dứt cách quản lý bằng giấy tờ và thay thế bằng số hóa, công nghệ kỹ thuật… để chỉ cần gõ cái tên, số định danh cá nhân, vân tay là có thể biết hết được nhân thân của họ từ khi sinh ra, học hành, kết hôn… là xu hướng tương lai. Còn hiện tại phải cần lộ trình, thời gian chuẩn bị thì mới bỏ hộ khẩu được.

Người lao động dễ xin việc hơn khi không còn phân biệt thường trú và tạm trú. Ảnh: HTD

Đáng lưu ý là cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch tư pháp hiện chưa hoàn thiện, về hộ tịch cũng chưa có, tàng thư thì công an đang làm, giấy tờ giao dịch điện tử qua mạng vẫn chưa ổn về giá trị pháp lý… Tôi được biết công an vừa mới triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia với thời gian tiến hành trong khoảng hai năm, tính ra vào cuối năm 2018 hoặc chậm thì đầu năm 2019 hoàn thành. Như vậy, trong thời gian này thì các cơ quan chức năng vẫn phải duy trì hộ khẩu, STT, CMND như cũ.

Ngoài ra, khi bỏ hộ khẩu, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cũng phải tính toán đến lợi ích của những người sống lâu năm, cư trú lâu dài (tức là những người đang có hộ khẩu thường trú) nhằm tránh cào bằng. Những người này xứng đáng được hưởng những phúc lợi, tiện ích, dịch vụ… khi họ có công sức đóng góp lâu dài cho nơi họ thường trú.

Một chuyên gia tư pháp

Nên sửa đổi thêm nhiều thủ tục khác

Chính phủ đã có một quyết sách quá đúng trong việc bãi bỏ hộ khẩu và một số TTHC có liên quan vì làm lợi cho dân rất nhiều. Tuy nhiên, sắp tới vẫn còn nhiều quy định gắn với cuộc sống hằng ngày của người dân phải được xem xét để sửa đổi cho phù hợp.

Tôi lấy một ví dụ đơn giản: Hiện nay, muốn đăng ký xe máy hoặc ô tô, người dân phải về nơi có hộ khẩu thường trú để làm thủ tục. Đành rằng trong việc đăng ký xe, cơ quan công an phải có cơ sở dữ liệu để quản lý nhưng yêu cầu trên có phục vụ nhiều cho công tác quản lý khi người đăng ký xe ở tỉnh này nhưng lại mang phương tiện tới tỉnh khác để lưu thông?
Nếu không đạt được mục đích như mong muốn thì yêu cầu đó chỉ làm người dân mất công, tốn kém.

Hay như trong lĩnh vực việc làm cũng vậy. Nơi sử dụng lao động cần một nhân sự có năng lực chuyên môn phù hợp với công việc chứ không cần họ có thường trú ở đâu. Khi Luật Cư trú không hạn chế công dân tự do cư trú thì việc đặt ra điều kiện thường trú chỉ làm hạn chế việc kêu gọi nhân tài.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Phải có lộ trình cho giáo dục

Việc xóa bỏ hộ khẩu, tạm trú không chỉ tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi làm TTHC mà còn giúp các cơ quan nhà nước giảm áp lực, khó khăn trong quá trình quản lý.

Trước đây, quận rất đau đầu về công tác tuyển dụng giáo viên, đội ngũ y, bác sĩ vì theo quy chế thì phải tuyển những nhân sự có hộ khẩu tại đây. Sắp tới, nếu được “cởi trói” thì chúng tôi sẽ dễ dàng hơn nhiều trong công tác tuyển dụng.

Song song với những thuận lợi thì chúng tôi cũng có phần lo lắng về dân số. Việc xóa bỏ không phân biệt hộ khẩu sẽ không tránh khỏi tình trạng dân nhập cư sẽ càng đông. Khi đó, các cơ sở y tế, trường học… phải đáp ứng đủ để tránh quá tải, không đảm bảo chất lượng phục vụ.

Theo tôi, trước mắt thì nên xóa bỏ phân biệt hộ khẩu trong công tác tuyển dụng, còn các vấn đề liên quan đến quản lý an ninh trật tự phải được nghiên cứu thêm để làm sao có hệ thống quản lý vừa chặt chẽ vừa đảm bảo được quyền lợi cho người dân. Riêng về vấn đề giáo dục thì cần phải có lộ trình thực hiện để có cơ sở hạ tầng đầy đủ rồi mới tính đến chuyện xóa bỏ sự phân biệt thường trú, tạm trú.

Phó chủ tịch phụ trách văn hóa-xã hội một quận tại TP.HCM

NGUYỄN HIỀN ghi

Chấm dứt phân biệt người thường trú và tạm trú

Từ câu chuyện của chính mình, ông Lý Đình Nam (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) thiết tha đề nghị: “Tôi từ miền Bắc vào TP.HCM lập nghiệp nhưng luôn bị thiệt thòi về nhiều thứ. Chẳng hạn, khi xin việc làm, tôi bị yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương thì mới được tuyển dụng. Đòi hỏi này khiến bao người như tôi không kiếm được cơ hội việc làm phù hợp với bản thân, trong khi chúng tôi luôn có nhu cầu được sống tại đây và sẵn sàng đóng góp sức mình vào sự phát triển của địa phương. Tới đây, không chỉ là bỏ hộ khẩu, STT, chính quyền cũng nên bỏ sự phân biệt đối xử giữa người có đăng ký thường trú và không đủ điều kiện đăng ký thường trú để tạo thuận lợi cho mọi người trong việc học hành, làm ăn, khám chữa bệnh…”.

Ông Trần Ngọc Thành (ngụ quận 3, TP.HCM) cũng mong muốn “mọi người dân đều có thể được tuyển dụng, được khám chữa bệnh đúng tuyến, được đi học gần nơi cư trú và được làm nhiều việc khác mà không cần phải là người thường trú tại các thành phố lớn”. “Từ đó, mọi tiêu cực trong giải quyết TTHC sẽ được xóa bỏ, giảm bớt sự phiền hà, mất thời gian, mất tiền bạc của người dân và cả sự suy giảm lòng tin vào hệ thống hành chính” - ông Thành nói.

ĐÀO TRANG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm