Chiều 1-11, trước Quốc hội (QH), Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà có giải trình về việc không thu được số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước khoảng 5.000 tỉ đồng.
Nghi vấn thất thu đến 8.000 tỉ đồng!
Tại buổi thảo luận, đại biểu (ĐB) Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị rà soát, tính toán đủ các khoản phải nộp ngân sách, xác định các khoản không thể thu, nguyên nhân, số còn lại phải thu đủ vào ngân sách, vì đây là khoản thu ngân sách theo luật định. “Việc khai thác khoáng sản, tài nguyên nước vẫn diễn ra, mang lại nguồn thu thật, tiền thật cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khai thác nên việc phải nộp ngân sách là bình thường. Hơn nữa, việc thu cấp quyền khai thác được ban hành để ngăn chặn tình trạng thất thu từ khoáng sản, tài nguyên nên không thể miễn thu khoản thu này chỉ vì lý do Chính phủ chậm ban hành nghị định” - ĐB Hàm nhấn mạnh. Đồng thời ông cũng đề nghị “Chính phủ cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan báo cáo kết quả xử lý trước QH” trên cơ sở “rà soát số phải thu, số không thu được” và “xác định hệ quả xấu gây ra đối với sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế khi thu các khoản cấp quyền này”.
Ở góc nhìn khác, ĐB Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) cho rằng con số thất thu gần 5.000 tỉ đồng là “chưa đủ độ tin cậy” mà có thể lớn hơn. “Thời gian qua Bộ TN&MT cấp 400 giấy phép, cấp tỉnh cấp 4.000 giấy phép. Bộ TN&MT thường cấp giấy phép đối với mỏ có quy mô lớn. Tôi tính nếu 10 tỉ đồng một mỏ như vậy thì 400 giấy phép cũng khoảng 4.000 tỉ đồng, 4.000 mỏ ở địa phương cấp 1.000 tỉ thôi là 4.000 tỉ đồng nữa thành 8.000 tỉ đồng” - ông dẫn chứng cho nhận định của mình.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đang giải trình trước Quốc hội. Ảnh: QH
“Không có lợi ích nhóm”
Giải trình trước QH, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng việc chậm ban hành các văn bản thực hiện là do giai đoạn 2011-2016 có tình trạng “quá tải” xây dựng văn bản pháp luật với số lượng gần 500 các văn bản dưới luật, nghị định và hơn 100 bộ luật. Mặt khác, chính sách thu tiền cấp quyền khai thác mỏ là một chính sách mới, lại được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, ngành khai thác khoáng sản bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp bị phá sản nên thời điểm đó QH cũng khẳng định là cần phải có chính sách để khoan dân.
Bộ trưởng Hà cho hay thời điểm Bộ TN&MT tổ chức các hội nghị đánh giá về chính sách để ban hành nghị định thì Luật Tài nguyên có nảy sinh vấn đề “thuế chồng thuế”, vì bản chất thu cấp quyền khai thác tài nguyên cũng là một loại thuế. “Trong bối cảnh CPI đang rất cao. Một trong những mục tiêu của QH và Chính phủ là giảm các chi phí, đặc biệt các vấn đề liên quan đến sản phẩm thiết yếu như tài nguyên nước. Chính phủ hết sức quan tâm đến vấn đề để giảm CPI và đánh giá tác động. Nhiều ý kiến người ta nói thời điểm này không ban hành được, sau đấy là đại hội Đảng. Chính phủ đã ba lần phải xem xét chính sách và thấy vào thời điểm nào để ban hành thì hợp lý” - Bộ trưởng Hà nói.
Một nguyên nhân nữa được ông đưa ra là do đến nay Việt Nam chưa đánh giá được trữ lượng các mỏ khoáng sản để từ đó mới có căn cứ thu tiền cấp quyền khai thác. “Có gần 4.000 giấy phép khai thác khoáng sản địa phương cấp là không có đánh giá trữ lượng trước đó. Luật Khoáng sản ban hành chính là thay đổi toàn bộ tư duy để quản lý. Đánh giá trữ lượng của một mỏ nhỏ cũng mất vài năm!” - Bộ trưởng Hà nói.
Về việc Nhà nước thiệt hại bao nhiêu khi lùi thời hạn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Hà cho hay theo Bộ TN&MT thống kê phần các mỏ còn lại phải thu tiền chiếm khoảng 8% (của 5.000 giấy phép) và hoàn toàn có thể tính toán được số tiền không thu được trong thời gian chậm ban hành nghị định hai năm sáu tháng. “Có thể nói khoảng 90% đảm bảo rằng nếu lùi thời hạn khi nghị định có hiệu lực là chúng ta không thất thoát, không có lợi ích nhóm” - Bộ trưởng Hà nói.
Chậm ban hành nghị định làm “mất” 5.000 tỉ đồng Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Luật Khoáng sản có hiệu lực từ tháng 7-2011, tuy nhiên nghị định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của Chính phủ (Nghị định 203) có hiệu lực thi hành lại chậm hơn so với luật hai năm sáu tháng. Tương tự, nghị định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Nghị định 82) cũng chậm hơn so với luật bốn năm tám tháng. Việc Chính phủ chậm ban hành nghị định khiến các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước không có cơ sở thực hiện nghĩa vụ nộp tiền. Đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thu số tiền phải nộp ước tính lên tới gần 5.000 tỉ đồng. |