Chiều 3-12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội và các cơ quan hữu quan cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19.
Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về vấn đề này tại phiên họp thứ 6 (tháng 12-2021).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc. Ảnh: DOÃN TẤN
Chính phủ đề xuất 6 chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch
Theo Tờ trình của Chính phủ, để thể chế hóa quan điểm của Đảng về phòng, chống dịch COVID-19 tại Kết luận số 20-KL/TW ngày 16-10-2021 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2021 - 2022, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Chính phủ, Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội đã cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc áp dụng các biện pháp như trong tình trạng khẩn cấp mà chưa ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống dịch hai năm vừa qua, đồng thời rà soát, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ nhận thấy thực tế vẫn còn những vướng mắc, bất cập do quy định tại các Luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ của công tác phòng, chống dịch.
Vì vậy, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID- 19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID– 19.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết có 6 chính sách lớn quy định về: nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID - 19; Thanh toán chi phí tiêm chủng, xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh COVID - 19; Khám bệnh, chữa bệnh từ xa; Thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Bình ổn giá trang thiết bị y tế; Chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID - 19.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: DOÃN TẤN
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay Thường trực Ủy ban này nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết nói trên. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù được Chính phủ trình cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng do có đối tượng tác động lớn, phạm vi thực hiện không chỉ đối với hệ thống y tế mà cả ngân sách nhà nước.
Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, Tờ trình chưa làm rõ tính cấp bách để được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15, chính sách được trình để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong thời gian trước mắt, chính sách được trình để thực hiện lâu dài và dự kiến sẽ được bổ sung, điều chỉnh khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Trao quyền cho Bộ trưởng Y tế, đồng thời phải quy định trách nhiệm
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù để Chính phủ ban hành và triển khai Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID– 19.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết này chỉ tập trung quy định các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù về phòng, chống dịch khác với quy định của luật hoặc chưa được luật hiện hành quy định.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: DOÃN TẤN
Người đứng đầu Quốc hội đánh giá một số chính sách Chính phủ đề xuất là cần thiết nhưng ông khẳng định quan điểm: Nếu không thuộc phạm vi ủy quyền tại Nghị quyết 30 của Quốc hội thì không thể đưa vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng: Chính sách về khám, chữa bệnh từ xa chỉ áp dụng trong phạm vi khám, chữa bệnh COVID – 19, đồng thời phải xác định rõ chủ thể được khám, chữa bệnh từ xa; quy trình khám, chữa bệnh từ xa như thế nào; trách nhiệm ra sao…? Các vấn đề khám, chữa bệnh từ xa không liên quan đến dịch bệnh COVID – 19 cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, thấu đáo khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân.
Liên quan đến việc bình ổn giá trang thiết bị y tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chỉ nên đưa vào danh mục những loại thực sự cấp bách, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, đã rõ, nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao.
Về chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ chính sách với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID -19, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ cần bảo đảm tốt nhất chế độ, chính sách để bù đắp phần nào những đóng góp, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, lực lượng y tế và các lực lượng khác trên tuyến đầu chống dịch.
Với một số cơ chế, chính sách khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị khi quy định trao quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế thì đồng thời phải quy định về trách nhiệm thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách được nêu trong dự thảo Nghị quyết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu cả về kỹ thuật văn bản, các thuật ngữ chuyên môn và nội dung chính sách nhằm bảo đảm đúng tinh thần, phạm vi mà Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.
“Các chính sách phải được đánh giá tác động hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả để sau này Quốc hội còn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết như vậy có đúng không”- Chủ tịch Quốc hội nói.
Liên quan đến việc thanh toán chi phí tiêm chủng, xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh COVID – 19, Tờ trình của Chính phủ cho rằng việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID - 19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID- 19 còn gặp khó khăn trong việc bóc tách chi phí để thanh toán theo các nguồn. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ làm rõ các loại hình cơ sở thu dung, điều trị COVID - 19 và xác định cụ thể việc bảo đảm kinh phí vận hành, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người nhiễm COVID - 19 cho từng hình thức cơ sở thu dung, điều trị để làm cơ sở cho việc thanh toán các chi phí từ nguồn ngân sách nhà nước một cách rõ ràng, tránh chi trùng. Thường trực Ủy ban thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về việc thực hiện thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và mức giá mua vào theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, Chính phủ cần tổng kết các chi phí khám chữa bệnh COVID - 19 thời gian qua, làm rõ mức trích từ quỹ bảo hiểm y tế để bảo đảm an toàn quỹ cũng như đảm bảo tính minh bạch, khả thi. Cơ bản nhất trí việc cần có giải pháp thanh toán các chi phí trong tiêm chủng, xét nghiệm, khám chữa bệnh khi huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia, tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị cần làm rõ “mức giá cao nhất” áp dụng tại cơ sở y tế tư nhân là giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hay giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Cạnh đó, để khuyến khích, tạo động lực cho cơ sở y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng, chống dịch một cách tự nguyện, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế thanh toán các chi phí thực hiện công tác phòng, chống và điều trị COVID – 19 để vừa đảm bảo cân đối bù đắp chi phí vận hành của cơ sở tư nhân vừa phù hợp khả năng chi trả của ngân sách nhà nước. |