Chính quyền đô thị TP.HCM: Đã đến lúc quyết định!

Dự kiến ngay đầu tuần này, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội (QH) khóa XIV, các đại biểu sẽ bấm nút quyết định đối với nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Khi được thông qua, đây sẽ là một dấu mốc có ý nghĩa quan trọng đối với TP.HCM, tạo ra bước chuyển lớn, khơi thông các nguồn lực để TP.HCM tiếp tục phát triển nhanh, mạnh, bền vững hơn.

Ngay khi trình dự thảo nghị quyết này trước QH, tại kỳ họp thứ 10 (ngày 26-10), cả Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân (thừa ủy quyền của Thủ tướng trình dự thảo) và người đứng đầu cơ quan thẩm tra là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH - ông Hoàng Thanh Tùng đều nhất trí về tính cần thiết, cấp thiết phải ban hành nghị quyết này vì nó đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Ngay tuần này, các đại biểu sẽ bấm nút quyết định đối với nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Ảnh: QH

Đòi hỏi của thực tiễn và sự kế thừa giá trị lịch sử

Có thể nói câu chuyện tổ chức chính quyền làm sao cho phù hợp với đặc điểm của đô thị, bởi tính chất của đô thị (cả về dân cư, kết cấu hạ tầng, kinh tế, địa lý…) rất khác biệt so với nông thôn, không phải đến lúc gần đây mới đặt ra.

Hàng chục năm trước đây, cố PGS-TS Trương Đắc Linh (ĐH Luật TP.HCM), một chuyên gia về tổ chức chính quyền địa phương, trong các nghiên cứu của mình đã chỉ rõ ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó đã ban hành hai sắc lệnh cho thấy việc tổ chức chính quyền nông thôn và đô thị đã có sự khác biệt. Đó là Sắc lệnh số 63 ngày 22-11-1945 về tổ chức HĐND và Ủy ban Hành chính xã, huyện, tỉnh, kỳ và Sắc lệnh số 77 ngày 21-12-1945 về tổ chức HĐND và Ủy ban Hành chính ở TP, khu phố.

Điểm độc đáo của hai sắc lệnh này là ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, chúng ta đã phân biệt rõ sự khác nhau trong việc quản lý và tổ chức bộ máy chính quyền ở vùng nông thôn với quản lý và tổ chức bộ máy chính quyền ở đô thị. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không đồng nhất đơn vị hành chính với cấp chính quyền địa phương hoàn chỉnh (có cả HĐND và Ủy ban Hành chính), không cào bằng địa bàn nông thôn (tỉnh) với địa bàn đô thị (TP).

Trải qua nhiều lý do (mang tính lịch sử), đến Hiến pháp 1980, để thống nhất tổ chức chính quyền ở các TP trực thuộc trung ương, hiến pháp này đã quy định: Các TP trực thuộc trung ương tổ chức ba cấp chính quyền hoàn chỉnh, có HĐND và UBND (TP, quận, phường). Mô hình “cào bằng” giữa chính quyền ở đô thị (TP) và chính quyền ở nông thôn (tỉnh) này duy trì cho đến khi sửa đổi Hiến pháp 1992 để xây dựng Hiến pháp 2013.

Khi ra đời, Hiến pháp 2013 đã đặt nền tảng pháp lý quan trọng để việc tổ chức chính quyền địa phương có sự phân biệt giữa đô thị và nông thôn. Cụ thể, Điều 111 Hiến pháp 2013 quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng sau đó cũng nêu rõ: “Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo luật định”.

Gần đây nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã quy định rất rõ: “Chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể QH quy định không phải là cấp chính quyền địa phương”.

Bên cạnh đó, về cơ sở thực tiễn, trước đây TP.HCM cũng nằm trong 10 tỉnh, thành đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện và phường từ năm 2009 đến 2016 theo Nghị quyết 26/2008 của QH khóa XII. Qua thời gian thí điểm đã cho kết quả tích cực, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Như vậy, từ Hiến pháp 2013 đến nay, các cơ sở chính trị,  pháp lý và cả thực tiễn cho vấn đề này đã dần được giải quyết. Cho nên nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM không chỉ phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hiện nay mà còn kế thừa những giá trị tiến bộ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra về mặt tổ chức chính quyền địa phương ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như chúng tôi đã nêu ra trên đây.

Nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn

Trở lại với đặc tính đô thị của TP.HCM, khi trình bày trước QH, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết: TP hiện chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số chiếm 9% nhưng kinh tế đóng góp 22%. Về mặt cường độ kinh tế/km2, TP tạo ra khoảng 40 lần giá trị kinh tế bình quân cả nước. Đơn cử ở cấp quận, TP.HCM đang có năm quận mà dân số từ 500.000 cho đến gần 800.000 người/quận. Với số dân như vậy, số đầu việc phát sinh hằng ngày của các quận này là rất lớn, đòi hỏi phải xử lý nhanh.

Như vậy, để đáp ứng những hoạt động rất mạnh này phải có những cơ chế tương thích mới giải quyết kịp thời những đòi hỏi nội tại và các phát sinh khác. Sự chậm trễ của chính quyền sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế, điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới nhịp điệu phát triển của TP.HCM mà còn tác động chung đến cả nước.

Vấn đề đặt ra là muốn xử lý nhanh những đòi hỏi cấp bách ấy của TP.HCM thì phải giảm tầng nấc, đảm bảo sự xuyên suốt, kịp thời. Từ đó mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của chính quyền TP.

“Việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị để giúp cho quyết định nhanh hơn, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các cấp” - ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Đại biểu QH Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cũng cho hay khi nghị quyết này được QH thông qua sẽ tạo ra những sự thay đổi về mô hình tổ chức chính quyền. Cụ thể, đô thị TP.HCM sẽ thực hiện tổ chức mô hình một cấp chính quyền và hai cấp hành chính. Trong đó, cấp chính quyền TP có HĐND và UBND, còn quận và phường chỉ còn UBND mà không có HĐND.

Khi đó, cơ chế hoạt động tại quận và phường sẽ có sự thay đổi lớn. Theo đó, UBND quận và phường là cơ quan hành chính làm việc theo chế độ thủ trưởng.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền

Việc ban hành nghị quyết của QH về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM là cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ LÊ VĨNH TÂN

Thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho tăng trưởng

Việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM là vấn đề quan trọng và cấp bách, là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của TP.HCM.

Ông HOÀNG THANH TÙNGChủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH 

Theo bà Phan Thị Bình Thuận, cơ chế này sẽ có tác động rất tích cực bởi sẽ làm giảm cấp trung gian, khắc phục sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Từ đó giúp tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách, phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính năng động của người đứng đầu tại cơ quan hành chính quận và phường.

Lúc này, các quyết định từ HĐND và UBND TP sẽ được trực tiếp chuyển xuống UBND quận, phường mà không phải qua một tầng lớp trung gian là HĐND quận, phường. Vì vậy sẽ đến với người dân, doanh nghiệp kịp thời, nhanh chóng và đồng bộ.

Đặc biệt là các vấn đề về đầu tư, ngân sách, thủ tục hành chính... sẽ do HĐND TP, UBND TP quyết định rồi chuyển cho UBND quận, phường thực hiện, đảm bảo tính xuyên suốt, kịp thời.

“Mặt khác, việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM sẽ đảm bảo, tạo được sự năng động, chủ động cho TP đổi mới cơ chế, phương thức quản lý chính quyền, phù hợp với tính chất, đặc điểm của một đô thị đặc biệt” - bà Phan Thị Bình Thuận cho biết.

“Mỗi tầng nấc được dỡ bỏ là thêm những bổn phận với nhân dân”

Tại phiên thảo luận về dự thảo nghị quyết này, ngày 12-11, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhìn nhận: Dự thảo nghị quyết như chuyển tải thông điệp về lẽ sống mà TP đã tìm kiếm và lựa chọn từ trong khát vọng, trách nhiệm và nghĩa tình về một mô hình chính quyền mà ở đó mỗi tầng nấc được dỡ bỏ là thêm những bổn phận với nhân dân, trách nhiệm với sự phát triển và dĩ nhiên là không chỉ dành riêng cho TP.HCM.

Ông Nhân cho rằng thật khó để hình dung với một siêu đô thị sôi động bậc nhất cả nước nhưng mô hình chính quyền lại được khoác chiếc áo đồng hạng như một chính quyền nông thôn. Trong khi đó, hàng chục năm nay TP đang có nhu cầu đổi mới để “gánh vác vai trò là động lực, là đầu tàu quan trọng của cả nước”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm