Chính quyền đô thị TP.HCM: Phục vụ dân tốt hơn

Ngày 26-10, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIV, QH đã thảo luận dự thảo nghị quyết về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, về nội dung này.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, TP.HCM vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI. Chủ đề của đại hội là nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của nhân dân; phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân... Tất cả điều này đều với mong muốn làm sao để phục vụ nhân dân tốt nhất.

“Mục tiêu lớn nhất của việc tổ chức chính quyền đô thị là làm sao phát huy được tiềm năng, lợi thế của TP để phát triển nhanh hơn vì cả nước, cùng cả nước và để phục vụ nhân dân tốt hơn” - PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói.

Nhiều tiền đề thuận lợi

. Phóng viên: Thưa ông, theo quan sát của ông, đến lúc này, những tiền đề thuận lợi nào để Đề án tổ chức chính quyền đô thị của TP.HCM được thực hiện trên thực tế?

+ PGS-TS Trần Hoàng Ngân (ảnh): TP.HCM đã có kinh nghiệm thực tiễn qua hơn sáu năm thí điểm không tổ chức HĐND quận/huyện, phường giai đoạn 2009-2016. Qua sơ kết cho thấy với số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất cả nước, TP đã đạt được thành công trên diện rộng.

Đề án tổ chức chính quyền đô thị ở TP ấp ủ từ lâu, từng đề xuất trung ương vào các năm 2007 và 2013. Ở thời điểm đó, một số quy định chưa phù hợp nên chưa được thông qua. Kỳ họp QH này, TP tiếp tục trình đề án với mong muốn được thông qua để cho phù hợp hơn với thực tiễn của một đô thị đặc biệt.

Lần này chúng ta thấy có rất nhiều thuận lợi, bởi trong hiến pháp đã ghi rõ cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND ở nước ta được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) năm 2019 cũng đã nêu rõ nội dung này (tại khoản 1 Điều 2). Mặt khác, cũng tại luật này có quy định: Chính quyền địa phương ở quận/phường là cấp chính quyền địa phương (có đầy đủ HĐND và UBND), trừ trường hợp cụ thể QH quy định không phải là cấp chính quyền địa phương (khoản 14 và khoản 17 Điều 2).

TP.HCM là đô thị đặc biệt với dân số gần 10 triệu người, đặc biệt là mật độ dân số rất cao (khoảng 4.300 người/km2), cho nên ranh giới phường/xã không rõ nét. Do đó, việc tổ chức chính quyền đô thị phải làm như thế nào để quản lý, tổ chức và vận hành hiệu quả, hiệu lực hơn nữa. Tất cả là để phục vụ nhân dân một cách tốt hơn.

Mục tiêu lớn nhất của chính quyền đô thị TP.HCM là để đưa TP phát triển hơn nữa và phục vụ dân tốt hơn. Ảnh: LÊ THOA

. Tại cuộc thảo luận ở QH hôm 26-10, nhiều ý kiến đồng tình về việc áp dụng luôn đề án mà không qua thí điểm. Ông nhìn nhận gì về sự ủng hộ này?

+ Trong dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM không có từ “thí điểm”, có nghĩa là sẽ áp dụng luôn mà không qua thí điểm. Điều này là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) năm 2019 mà tôi đề cập trên đây đã quy định rõ cơ sở pháp lý liên quan.

Bên cạnh đó, trong Kết luận 21 năm 2017 của Bộ Chính trị về sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đã nói rõ “việc gì đã rõ thì cho làm ngay, việc gì chưa rõ, phức tạp thì cho làm thí điểm, sơ kết, tổng kết để nhân rộng”.

Trong dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM có quy định thêm về nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND TP, rồi nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch UBND quận, phường và chủ tịch UBND TP thuộc TP.HCM. Điều này thể hiện sự phân cấp ngày càng mạnh mẽ hơn.

Quyền hạn của chủ tịch TP Thủ Đức sẽ ra sao?

Theo đề án, tổ chức chính quyền địa phương tại TP.HCM gồm cả nội dung TP thuộc TP.HCM, bởi hiện nay TP.HCM đang xúc tiến việc thành lập TP Thủ Đức. Về điều này, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng: Với việc hợp nhất ba quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP Thủ Đức (hơn 1,1 triệu dân, chiếm 10% diện tích TP và đóng góp 30% GDP cho TP.HCM), quyền hạn của chủ tịch UBND TP Thủ Đức phải lớn hơn quận chứ không thể như quận được. Vì thế, vấn đề phân cấp quyền lực cho chủ tịch UBND TP Thủ Đức sẽ được tính toán kỹ. 

Bộ máy tinh gọn, giảm chi phí, hiệu quả hơn

. Thưa ông, một trong những nội dung cốt lõi của đề án là TP.HCM tới đây sẽ không tổ chức HĐND quận, phường. Có ý kiến thắc mắc điều này sẽ ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của HĐND. Điều này cần được lý giải như thế nào?

+ Đúng vậy, một trong những nội dung cốt lõi của đề án là không tổ chức HĐND quận, phường. Điều đó không có nghĩa là chúng ta giảm nhẹ chức năng và nhiệm vụ của HĐND, mà chúng ta làm cho HĐND có quyền lực hơn và tổ chức lại cho hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn. Vai trò của HĐND TP sẽ đảm đương những nhiệm vụ mà HĐND quận, phường để lại.

Cụ thể như HĐND TP quyết định dự toán ngân sách nhà nước trên địa bàn, bao gồm cả dự toán ngân sách chính quyền địa phương cấp dưới; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP, bao gồm cả các quận, phường. HĐND TP cũng sẽ thay mặt HĐND quận, phường tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND quận, phường. Do đó, vai trò của HĐND TP sẽ cao hơn so với hiện nay.

Vấn đề quan trọng là chúng ta tổ chức chính quyền đô thị như thế nào để hiệu quả hơn, làm sao để các quyết định của HĐND TP sớm đi vào thực tiễn. Bộ máy quản lý nhà nước phải hết sức tinh gọn, bỏ đi sự cồng kềnh, giảm được chi phí. Vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND TP là phải tiếp tục thực hiện một cách mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.

. Xin cám ơn ông!

Đại biểu TÔ THỊ BÍCH CHÂU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM:

Bước tiến trong cải cách về thể chế, bộ máy

Chính quyền đô thị TP.HCM: Phục vụ dân tốt hơn ảnh 3
 

Vai trò của TP.HCM đã được QH cũng như Bộ Chính trị giao cho là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước và là nơi đi đầu trong đề xuất những thể chế, chính sách đặc thù để TP phát triển nhanh và bền vững. Do vậy, đề án tổ chức chính quyền đô thị ở TP.HCM cũng là bước tiến bộ trong cải cách về thể chế, bộ máy cũng như việc tinh gọn bộ máy, từ đó nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của TP.HCM.

Tôi cho rằng đề án tổ chức chính quyền đô thị sẽ tạo một cú hích cho TP.HCM phát triển theo những mục tiêu mà TP hướng tới. Từ đó sẽ đóng góp nhiều hơn cho cả nước, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Một nội dung quan trọng của đề án, cơ chế chính quyền đô thị ở TP.HCM sẽ không còn HĐND quận, phường. Khi không còn HĐND quận, phường thì phải nâng cao vai trò giám sát. Trong đó, bên cạnh việc xây dựng lực lượng đại biểu HĐND TP đủ mạnh, cơ chế giám sát đủ rộng để tạo được cú hích cho sự phát triển thì cơ chế, vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng như người dân phải đủ mạnh và tương xứng.

Đại biểu VĂN THỊ BẠCH TUYẾT, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu QH TP.HCM:

Bộ máy hành chính tinh gọn

Chính quyền đô thị TP.HCM: Phục vụ dân tốt hơn ảnh 4
 

Theo tôi, ý nghĩa lớn nhất mà đề án tổ chức chính quyền đô thị sẽ mang lại cho TP.HCM là có bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và sự minh bạch trong quản lý của chính quyền TP. Từ đó hướng đến mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.

Đề án đã đặt ra vấn đề không tổ chức HĐND quận, phường. Lúc đó, cùng với đại biểu HĐND TP thì các đại biểu QH, đoàn đại biểu QH cũng sẽ tăng cường hoạt động giám sát về tình hình thực hiện các chính sách pháp luật, trong đó có giám sát nghị quyết này.

Tôi cũng ủng hộ việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM lần này sẽ không thí điểm mà sẽ áp dụng luôn. Điều này sẽ đảm bảo sự ổn định lâu dài cho tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của TP.HCM. Đồng thời thuận lợi trong công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, công chức, tạo sự an tâm công tác đối với đội ngũ công chức đang công tác tại cấp phường. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm