Thời gian qua, TP.HCM đang trên đà phát triển nhưng cũng xuất hiện nhiều trở ngại, bất cập, làm chậm tốc độ phát triển của TP. Một trong những bất cập lớn là nhiều quyết định quản lý hành chính của chính quyền TP chưa được triển khai một cách nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả nhất. Trong đó, nguyên nhân chính là mô hình tổ chức chính quyền ở TP chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của TP loại đặc biệt.
Giải quyết các vấn đề thực tiễn lớn của TP.HCM
TP.HCM có quy mô dân số, mật độ dân cư và quy mô kinh tế rất lớn, thuộc nhóm đứng đầu cả nước nhưng mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo quy định pháp luật cũng không có gì khác với chính quyền nông thôn. Cơ cấu tổ chức bộ máy còn nhiều cấp, nhiều tầng nấc trung gian, chưa tinh gọn, chưa hiệu quả theo tinh thần cải cách hành chính. Trong khi về thực chất, HĐND ở cấp huyện và cấp xã chưa quyết định được những vấn đề quan trọng về kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn. Các vấn đề lớn chủ yếu do HĐND TP quyết định.
Bên cạnh đó, hiệu quả giám sát của HĐND cấp cơ sở cũng chưa cao, có phần là do đa số đại biểu (ĐB) HĐND còn kiêm nhiệm, không có nhiều thời gian dành cho hoạt động ĐB dân cử. Ngoài ra, cư dân đô thị đang có nhu cầu dân chủ trực tiếp ngày càng cao hơn cư dân nông thôn.
Do đó, việc tổ chức lại mô hình chính quyền tại TP theo hướng chính quyền địa phương tại quận và phường chỉ có UBND, không tổ chức HĐND là rất cần thiết và phù hợp với yêu cầu, thực tiễn của TP hiện nay.
Mô hình mới này được kỳ vọng sẽ giúp cho bộ máy chính quyền TP được tổ chức theo hướng hiện đại, có khả năng ra quyết định quy hoạch, phê duyệt và triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ trong khoảng thời gian nhanh nhất, để đạt hiệu quả cao nhất.
Có thể thấy đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM là để giải quyết các vấn đề lớn của TP, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của TP. Từ đó, TP.HCM sẽ có đóng góp tốt hơn cho sự phát triển của vùng và cả nước.
Nhiều người dân sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến tại UBND quận 12, TP.HCM. Ảnh: L.THOA
Tăng số lượng đại biểu chuyên trách, lắng nghe dân nhiều hơn
Thời gian tới, nếu không tổ chức HĐND cấp phường, quận thì HĐND TP cũng phải thay đổi về tổ chức. Theo đó, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, trong mô hình mới, HĐND TP phải bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn từ HĐND quận, phường chuyển sang. Đáng lưu tâm, trong quá trình lấy ý kiến có một số vấn đề rất được chú trọng như: Việc giám sát của HĐND đối với chính quyền tại cơ sở, quyền làm chủ của người dân, quyền đại diện của nhân dân. Do đó, HĐND TP trong thời gian tới cần quan tâm có những giải pháp để giải quyết, đáp ứng được những nguyện vọng này.
Một số giải pháp có thể nghiên cứu khác là: Tăng số lượng ĐB hoạt động chuyên trách của HĐND TP để có thể đảm đương được khối lượng lớn công việc; tăng số lượng và nâng cao chất lượng số cuộc giám sát của các tổ ĐB HĐND tại cơ sở; phân định và phát huy hoạt động giám sát của tổ chức Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để tăng lĩnh vực, đối tượng và hiệu quả giám sát cùng với HĐND TP...
Hay đối với quyền đại diện của nhân dân, cần phải nhấn mạnh cho nhân dân biết còn rất nhiều kênh đại diện cho tiếng nói của mình như đoàn ĐB Quốc hội, tổ ĐB HĐND TP tại địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội, khu phố...
Còn đối với quyền làm chủ của nhân dân, nhất thiết phải tăng dân chủ trực tiếp, lắng nghe ý kiến của người dân trong các chủ trương, chính sách lớn của TP. Đặc biệt, UBND các cấp phải tổ chức công khai, minh bạch tối đa các vấn đề liên quan đến dân sinh; ứng dụng công nghệ thông tin triệt để nhằm tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân một cách nhanh nhất, giúp người dân có thể giám sát, đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền ngày một nhiều hơn.
Tổ chức chính quyền tại TP.HCM Đề án đề xuất: Tổ chức chính quyền địa phương ở TP.HCM, thành phố thuộc TP.HCM, huyện, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Còn tổ chức chính quyền địa phương ở quận và phường thuộc TP.HCM là UBND quận, UBND phường. UBND quận, phường là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng. Như vậy, không còn tổ chức HĐND quận và phường. Một điểm mới đáng chú ý nữa là đề xuất tổ chức chính quyền ‘‘thành phố trong thành phố’’. Nội dung này hướng tới việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP Thủ Đức trực thuộc TP.HCM. |