Hội nghị Trung ương 14: Tín hiệu tích cực cho Đại hội XIII

Hội nghị lần thứ 14, Ban chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII đã bế mạc sáng qua, 18-12, sau năm ngày làm việc, sớm hơn hai ngày so với dự kiến. Với một chương trình làm việc dày đặc nhưng được hoàn thành sớm hơn dự kiến như vậy cho thấy các báo cáo đã được Bộ Chính trị chuẩn bị kỹ lưỡng, thuyết phục và Trung ương sớm đi đến đồng thuận, thống nhất cao.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 14, khóa XII. Ảnh: TTXVN

Đưa ra tầm nhìn chiến lược cho tương lai

Như thường lệ các hội nghị trung ương gần đây, phát biểu bế mạc của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập đầu tiên tới các dự thảo văn kiện, là những gì quan trọng nhất mà Trung ương khóa XII tổng kết, đánh giá, cũng như đề ra phương hướng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Các dự thảo văn kiện được Tiểu ban Văn kiện, Bộ Chính trị chuẩn bị qua nhiều vòng, nhiều lượt và được Trung ương góp ý ở các hội nghị lần thứ 10, 11, 13. Bộ Chính trị đã tập hợp ý kiến đóng góp ở đại hội đảng bộ các cấp, MTTQ, các đại biểu Quốc hội và nhân dân, để đến Hội nghị Trung ương 14 này thì hoàn thiện, thông qua thành văn kiện chính thức trình Đại hội XIII sắp tới.

Trung ương thống nhất cao rằng các văn kiện trình Đại hội XIII không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển 2021-2025 (mốc 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn 2045 (100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Đây là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, dân tộc ta và đất nước; có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.

Thế và lực của đất nước được tăng cường

Cũng tại hội nghị này, trên cơ sở các tờ trình, báo cáo của Bộ Chính trị, Trung ương đã kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính mình cùng Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XII.

Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Trung ương thống nhất cao là trong một nhiệm kỳ đầy khó khăn, thách thức, “BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thực sự là một tập thể đoàn kết, thống nhất cao, gương mẫu, bản lĩnh, trí tuệ, luôn bám sát các quan điểm, đường lối của Đảng, kịp thời đưa ra các quyết sách đúng đắn và phù hợp, giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị... Cùng đó là tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật, tạo tiền đề cho những nhiệm kỳ tiếp theo”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Về kinh tế, kết quả nổi bật của nhiệm kỳ này là giữ vững ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng, hiệu quả sử dụng được nâng cao. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh. Môi trường đầu tư, kinh doanh cán cân thương mại được cải thiện, chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Trong năm cuối của nhiệm kỳ, cả nước đã kiểm soát và ngăn chặn được đại dịch COVID-19, giảm thiểu hậu quả bão lũ miền Trung, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Về đối ngoại, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư đã có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp, kịp thời trước những diễn biến mới, phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực. Qua đó thể hiện sự nhạy bén, bản lĩnh và bước phát triển mới ngày càng toàn diện về tư duy lý luận và phương pháp luận của Đảng, phù hợp với diễn biến tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho đất nước.

Một cách tổng quát: Thế và lực của đất nước được tăng cường; giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia, dân tộc và môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, đóng góp tích cực, có trách nhiệm cho hòa bình, ổn định phát triển của thế giới và khu vực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đồng tình ủng hộ; uy tín, vị thế của Đảng, của đất nước ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế.

Đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới

Cùng với điểm nhấn về kết quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Trung ương thống nhất đánh giá: Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ tạo ra dấu ấn nổi bật, là điểm tựa cho những năm tiếp theo mà còn tạo ra niềm tin, khí thế mới để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, tận dụng thời cơ đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới.

Từ kết quả đạt được, thông qua báo cáo kiểm điểm, Trung ương khóa XII rút ra một số bài học, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót, khuyết điểm.

Theo đó, “hoạt động, phương thức lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Chưa tập trung, quyết liệt, kịp thời trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết. Người đứng đầu trong một số lĩnh vực, địa phương chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của mình” - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tóm lược.

Cũng tại hội nghị này, Trung ương đã thống nhất cao các tờ trình của Bộ Chính trị về dự kiến chương trình, nội dung đại hội, quy chế làm việc, quy chế bầu cử tại Đại hội XIII. Như thường lệ, các nội dung này sẽ trình Đại hội XIII thông qua ở phiên trù bị trước khi bước vào phiên họp chính thức.

Ngoài hoàn thiện các dự thảo văn kiện, báo cáo kiểm điểm, Trung ương cũng cho ý kiến các báo cáo tổng kết thực hiện quy chế làm việc của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XII; tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật nhiệm kỳ Đại hội XII; tổng kết thực hiện quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII… Bộ Chính trị và Ủy ban Kiểm tra Trung ương trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện để bàn giao cho BCH Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII xem xét, phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc khóa tới.

Với kết quả nêu trên, việc Hội nghị Trung ương 14 hoàn thành sớm chương trình làm việc cho thấy tín hiệu tích cực một Đại hội XIII thành công.

 

Nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII

Về công tác nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 14, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định:

"Trung ương đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban bí thư. BCH Trung ương giao cho Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng phương hướng công tác nhân sự BCH Trung ương khóa XIII và quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo BCH Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15 sắp tới".

Hội nghị Trung ương 15 sẽ tập trung biểu quyết các trường hợp “đặc biệt” bao gồm cả Trung ương, Bộ Chính trị; đồng thời thông qua phương án nhân sự bốn chức danh chủ chốt Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở cho Đại hội XIII và Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương khóa XIII quyết định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm