Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, tại lễ tiếp nhận tư liệu, hiện vật và phát động xây dựng thư viện Hoàng Sa hôm qua 18-1, cho hay: Thời gian tới sẽ tiếp tục chuyển giao cho Đà Nẵng, Khánh Hòa những tài liệu hết sức quan trọng để cùng góp sức xây dựng một cơ sở dữ liệu có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Mục tiêu là làm sao Việt Nam sớm có lại được lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ở quần đảo Hoàng Sa cũng như một phần của Trường Sa” - ông Tùng nói.
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Ảnh: TẤN VIỆT
Rưng rưng nhớ Hoàng Sa
Đến Nhà trưng bày Hoàng Sa (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chiều 18-1, ông Trần Văn Sơn (ngụ quận Sơn Trà, Đà Nẵng) rưng rưng nước mắt khi thấy nhiều em học sinh chỉ nhau xem những cuốn sách, tư liệu quý về Hoàng Sa.
Ông Sơn là cựu binh Việt Nam Cộng hòa, công tác tại đặc khu Đà Nẵng. Ngày 29-3-1973, ông Sơn nhận lệnh ra trấn thủ Hoàng Sa trong vòng ba tháng trên vận tải hạm Trần Khánh Dư. Nhưng ông đâu ngờ đó là chuyến đi cuối cùng ra vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
“Hôm nay ở đây, rất mừng cho Đà Nẵng và mừng cho Hoàng Sa khi vẫn còn nhiều người tâm đắc với Hoàng Sa. Con cháu Việt Nam đời đời không lãng quên Hoàng Sa” - ông Sơn nói.
Ông Trần Văn Sơn, cựu binh Việt Nam Cộng hòa, từng đi trấn giữ Hoàng Sa. Ảnh: TẤN VIỆT
Ông Sơn bày tỏ mong mỏi: "Bây giờ và mai sau hoặc dài hơn nữa, con cháu chúng ta rồi cũng sẽ giành lại được Hoàng Sa. Đưa Hoàng Sa trở về, như mảnh da bị rạn nứt sẽ phục hồi nguyên vẹn trên cơ thể chúng ta” và cho rằng ngành giáo dục phải bằng nhiều cách đưa vào giảng dạy trong trường học, để lớp trẻ biết được Hoàng Sa là của Việt Nam.
Theo ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, công cuộc đấu tranh về mặt pháp lý, bằng chứng lịch sử với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa phải được làm thường xuyên và liên tục.
Ông Ngữ cho hay Thư viện Hoàng Sa tại Đà Nẵng ra đời rất có ý nghĩa, đánh dấu cột mốc để cho mọi người biết và có ý thức rằng phải luôn bảo vệ Tổ quốc, luôn phải có tư tưởng lấy lại Hoàng Sa của Việt Nam vào một ngày nào đó.
Quy tụ tài liệu lịch sử, pháp lý về Hoàng Sa
Tại buổi lễ ở huyện Hoàng Sa hôm qua, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, đã trao tặng UBND huyện Hoàng Sa 19 châu bản triều Nguyễn nói về việc xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo ông Tùng, trong kho tàng tư liệu về Hoàng Sa có hai khối tài liệu đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa về mặt pháp lý, lịch sử, đó là châu bản triều Nguyễn và mộc bản triều Nguyễn.
“Châu bản triều Nguyễn là những văn bản hành chính chính thức có bút tích của các vua triều Nguyễn được lưu giữ lại nguyên bản. Mộc bản triều Nguyễn là những tấm ván gỗ được khắc các nội dung liên quan đến lịch sử, văn hóa, chính thể của triều Nguyễn cũng như các triều đại trước triều Nguyễn. Di sản thế giới về tư liệu đã được công nhận đối với châu bản và mộc bản từ cách đây hơn 10 năm” - ông Tùng nói.
Bản tấu ngày 19-7 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) của Bố chánh sứ Quảng Ngãi về việc xin miễn thuế cho các thuyền của Bình Định và Quảng Ngãi được phái đi Hoàng Sa đã trở về. Ảnh: TẤN VIỆT
Ông Tùng khẳng định một trong những ưu tiên hàng đầu của đồ án sưu tầm tài liệu quý hiếm của Việt Nam và về Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt chính là sưu tầm các tài liệu khẳng định tính pháp lý, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt là đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Trong khối lượng công việc rất đồ sộ, chúng tôi luôn mang trong mình trách nhiệm công dân, tình cảm đặc biệt đối với những vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc” - ông Tùng nói.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, cho hay cuộc phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật về Hoàng Sa đã lan tỏa đến cả người dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài và bạn bè quốc tế. Đó là những nghĩa cử hết sức cao đẹp của nhân dân ta và bạn bè quốc tế.
“Công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa còn lâu dài, nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng chủ quyền là vấn đề thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ, đóng góp của mọi tổ chức, cá nhân vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, để nội dung Nhà trưng bày Hoàng Sa ngày càng nhiều hơn, sinh động hơn, đóng góp tiếng nói và minh chứng mạnh mẽ hơn nữa chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” - ông Đồng nói.
Như PLO đã thông tin, chiều 18-1, UBND huyện Hoàng Sa tổ chức lễ tiếp nhận tư liệu, hiện vật và phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa. Từ khi phát động vào năm 2016 đến nay, UBND huyện Hoàng Sa đã tiếp nhận được 212 hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử, pháp lý cao từ các tổ chức, cá nhân sưu tầm, hiến tặng. |