Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ thực hiện nghiêm 'ba không'

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo Kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Bộ Nội vụ về tình hình, kết quả công việc, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất.

"Tôn trọng, lắng nghe ý kiến, kể cả ý kiến phản biện, trái chiều..."

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục đổi mới, phát triển để làm tốt hơn nữa tinh thần đoàn kết, thống nhất, thực hiện đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, tôn trọng, lắng nghe ý kiến, kể cả ý kiến phản biện, trái chiều có liên quan đến công tác của Bộ; chân thành, cởi mở, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân cán bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý Bộ Nội vụ cần có phương pháp khơi dậy và phát huy tối đa sự chủ động, năng động, sáng tạo của mỗi cơ quan, địa phương, không ỷ lại cấp trên, với tư tưởng chỉ đạo là “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, biến cái không quan trọng thành cái quan trọng”. 

Bộ Nội vụ cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đi đôi với tạo môi trường cho đổi mới, sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nội vụ cần thống nhất nhận thức và hành động: Nghĩ phải “chín”, tư tưởng phải thông, quyết tâm chính trị phải cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Bộ cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, chống sách nhiễu, gây phiền hà về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân. Thực hiện nghiêm ba không khi giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân và doanh nghiệp: “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.

Càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải mở rộng, phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc, huy động trí tuệ tập thể, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao và xem xét quyết định theo đa số. 

“Cái gì đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình, thực hiện có hiệu quả thì tiếp tục cho triển khai. Cái gì mới, chưa có quy định hoặc quy định đã vượt qua thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”- thông báo kết luận nêu rõ.

Thủ tướng đánh giá việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề khó khăn, phức tạp, nhạy cảm vì liên quan đến con người và lợi ích. Vì vậy, phải nghiên cứu kỹ, cân nhắc nhiều mặt, lắng nghe ý kiến nhiều, phản biện, thảo luận kỹ lưỡng, xem xét toàn diện để có quyết định đúng đắn, phù hợp, hiệu quả.

Tinh giản biên chế, rà soát không thực hiện cấp “hàm”

Về một số nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nội vụ tập trung thực hiện Nghị quyết số 18, 19 khóa XII, Kết luận 74 của Bộ Chính trị về xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống…

Trong đó, cần xác định việc gì nên làm trước, việc gì làm sau và lựa chọn người thực hiện cho phù hợp để bảo đảm hiệu quả.

Thời gian tới, Bộ Nội vụ cần tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính nhất là thủ tục hành chính, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - hai trong ba đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội XIII xác định.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các Bộ, ngành cho phù hợp trong tình hình mới. Quan điểm xuyên suốt là một cơ quan có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện; xây dựng Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, lấy Nhân dân và doanh nghiệp làm trung tâm. 

“Về cơ bản, Nhà nước không làm những việc mà nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn”- thông báo nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách, tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm đầu mối, tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế, rà soát không thực hiện cấp “hàm”, phòng trong vụ, thực hiện đúng các quy định về tiêu chí thành lập tổ chức; cương quyết giảm chi thường xuyên cho bộ máy và con người để tăng chi cho đầu tư phát triển.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương chuẩn bị tốt Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, lấy ý kiến các Bộ, ngành, các cơ quan tham mưu của Đảng và MTTQ Việt Nam để báo cáo Chính phủ họp chuyên đề trong tháng 5-2021.

Bộ Nội vụ tập trung phân cấp, phân quyền theo nguyên tắc cái gì biết mới quản, cái gì không biết thì phân cấp, ủy quyền, không quản trực tiếp, nếu không dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa. 

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ nghiên cứu ngay việc phân cấp phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh, TP thuộc Trung ương cho phù hợp; phân cấp tổ chức thi nâng ngạch công chức cho các Bộ, ngành, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng cán bộ đầu ra.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải gắn kết chặt chẽ với tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống. Đồng thời tập trung xây dựng Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Sơ kết ba năm thực hiện Đề án thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.

Bộ cần sớm triển khai Đề án đưa cán bộ luân chuyển về cơ sở để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn; cần tổng kết công tác tổ chức thi nâng ngạch; nghiên cứu xây dựng Đề án liên thông cán bộ cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh. Sớm xây dựng, triển khai Đề án đào tạo đội ngũ cán bộ cấp xã, trong đó cần nâng cao chất lượng, khắc phục bệnh lười học, ngại học trong các cơ sở đào tạo của Bộ, tránh tình trạng “đánh trống ghi tên”.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ tổng kết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 để có giải pháp phù hợp tiếp tục thực hiện và nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Bộ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương sớm hoàn thành việc xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm và quy định về các chức danh tương đương trong hệ thống chính trị; chủ động đề xuất, xử lý những điểm chưa thống nhất giữa các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.