Chủ tịch Phạm Văn Thiều: Bạc Liêu với thế chân kiềng để phát triển

Lãnh đạo các tỉnh miền Tây bàn về phục hồi kinh tế - Bài 3

Chủ tịch Phạm Văn Thiều: Bạc Liêu với thế chân kiềng để phát triển

(PLO)-  Bạc Liêu sẽ xây dựng nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng sạch theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho giai đoạn 2021-2025 và sau này. 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tỉnh Bạc Liêu sẽ làm gì để vượt khó và đạt được các mục tiêu phát triển trong năm 2022? PV báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.

. Phóng viên: Thưa ông, Bạc Liêu có lợi thế gì để có thể duy trì đà phát triển năm 2021 và đẩy tốc độ, mức tăng trưởng nhanh và cao hơn nữa trong năm 2022?

+ Ông Phạm Văn Thiều: Bạc Liêu là tỉnh ven biển, có ba tiểu vùng sinh thái ngọt, lợ và mặn. Chúng tôi coi đây như là thế kiềng chân vạc để phát triển. Ví dụ, với đường bờ biển dài 56 km như là cửa mở ra ngư trường rộng trên 40.000 km2 có trữ lượng tôm, cua, cá khá dồi dào để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

Một ưu thế nữa từ vùng ven biển là có gió mạnh và khá ổn định (bình quân tốc độ gió 7 m/giây), có nắng hầu như quanh năm, với số giờ nắng đạt khoảng 2.200-2.700 giờ/năm (giá trị bức xạ trên 4,8 kWh/m2/ngày)… nên rất thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).

Con người Bạc Liêu phóng khoáng, tài tử, mến khách; sông rạch chằng chịt nối từ biển vào sâu đất liền 30-40-50 km; cùng với tôm cá có ở cả ba vùng nước mặn - lợ - ngọt… là những lợi thế để Bạc Liêu phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng sông nước - rừng - biển…

. Hướng phát triển cụ thể của Bạc Liêu trong thời gian tới là gì, thưa ông?

+ Hướng tới là tập trung cho nông nghiệp và năng lượng. Đây là hai trong năm trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mới đây Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 13-5-2021 về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia và Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 26-7-2021 về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025.

Với nông nghiệp, tỉnh ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng (hệ thống thủy lợi, ô đê bao, trạm bơm, điện, giao thông...) phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đối với lĩnh vực năng lượng, tập trung hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư Nhà máy điện khí LNG 3.200 MW Bạc Liêu, phấn đấu khởi công dự án vào năm 2022, vận hành tổ máy đầu tiên 800 MW vào năm 2024 và hoàn thành toàn bộ dự án với 3.200 MW trong năm 2027.

Với điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối, tỉnh duy trì hoạt động ổn định Nhà máy điện gió Bạc Liêu, công suất 99,2 MW và bảy dự án nhà máy điện gió đã hoàn thành trong năm 2021, với tổng công suất 370 MW, đồng thời năm 2022 phấn đấu hoàn thành hai dự án điện gió còn lại với tổng công suất 192 MW. Phấn đấu đến năm 2030 tổng công suất của các nguồn điện trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 13.201,8 MW.

. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch như ông nói sẽ như thế nào, thưa ông?

+ Tỉnh sẽ đẩy nhanh, mạnh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, kinh tế biển. Từng bước xây dựng, phát triển Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của khu vực; chú trọng phát triển nuôi tôm công nghệ cao.

Tỉnh cũng sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) chế biến - xuất khẩu tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của tỉnh.

Bạc Liêu cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, nhất là dự án điện khí LNG Bạc Liêu; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh; phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.

Bạc Liêu tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch và tăng cường kết nối du lịch Bạc Liêu với các trung tâm du lịch trong cả nước.

. Hiện có nhiều DN đã thấm mệt sau bốn đợt dịch liên tiếp, có DN đã rời thị trường hoặc đóng cửa. Như vậy để đạt mục tiêu phục hồi kinh tế, hỗ trợ DN đứng dậy, tỉnh sẽ kết hợp các nguồn lực ra sao, thưa ông?

+ Để đạt mục tiêu phục hồi kinh tế, hỗ trợ DN, tỉnh sẽ kết hợp một cách có hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, bao gồm các nguồn vốn trong và ngoài ngân sách; nguồn tín dụng; nguồn quỹ hỗ trợ của tỉnh.

Trong đó, trước hết phải nói đến nguồn vốn đầu tư công được xác định là vốn mồi để tạo “cú hích” cho các thành phần kinh tế của tỉnh phát triển. Do đó, ngay trong tháng 12-2021, tỉnh đã phân bổ và thông báo vốn đầu tư công năm 2022 đến các chủ đầu tư để triển khai thực hiện, phấn đấu trong năm tỉ lệ giải ngân đạt 95% trở lên. 

Chủ tịch Phạm Văn Thiều: Bạc Liêu với thế chân kiềng để phát triển ảnh 9
Với nguồn vốn tín dụng, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - DN, làm việc trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu để chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực hỗ trợ DN, tiếp sức cho nền kinh tế. Phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn huy động 10%-12%; tăng trưởng tín dụng trên 12%-14% so với năm 2021.

Đối với vốn đầu tư ngoài ngân sách, đây là nguồn lực đóng góp rất quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nên để kích thích được nguồn lực này thì tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án năng lượng sạch, dự án khu dân cư, nhà ở... với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, để các dự án sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, tăng thu ngân sách cho tỉnh.

. Xin cám ơn ông.

Đọc thêm