Chiều 14-8, ông Hồ Kỳ Minh (Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng) chủ trì buổi họp báo thông tin về kế hoạch của TP phong toả toàn TP trong 7 ngày. Cuộc họp có giám đốc Sở Y tế và Sở Công thương tham dự.
Về vấn đề thực phẩm, ông Hồ Kỳ Minh cho biết, hiện tại đã có đơn vị tài trợ 30.000 suất thực phẩm cho người khó khăn. TP chủ trương không để người dân thiếu ăn để trong 7 ngày phải ở yên trong nhà.
Cán bộ phường Hòa Thuận Đông phát thực phẩm cho người dân bị phong tỏa, không ra đường được. Ảnh: HẢI HIẾU
Người nghèo, khó khăn được phát thực phẩm miễn phí
Ông Minh cho biết, chuỗi lây nhiễm mới ở chợ đầu mối Hòa Cường đang lây lan rất nhanh. Chỉ mới 2 ngày đã có 87 ca bệnh. Vì là chợ đầu mối nên sẽ liên quan đến toàn hệ thống chợ trên toàn TP nên các chợ sẽ không hoạt động trong thời gian cấm ra đường.
“TP sẽ cố gắng trong 7 ngày tách được F0 ra khỏi cộng đồng và sẽ cho chợ đầu mối và các chợ hoạt động lại. Vì đây là kênh cung ứng 70% thực phẩm cho TP. Đồng thời, quyết tâm của TP là sẽ kiểm soát dịch trước ngày 25-8”, ông Minh nói.
Khi TP thực hiện biện pháp mạnh là cấm tất cả mọi người ra đường trong 7 ngày, vấn đề được mọi người quan tâm nhất là việc cung ứng thực phẩm cho người dân.
Vấn đề này, bà Lê Thị Kim Phương (Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng) cho biết, sở đã liên hệ với các chuỗi cung ứng để chuẩn bị phương án cung cấp một số mặt hàng thiết yếu cơ bản cho người dân.
Thực phẩm gồm: đồ khô (chủ yếu là gạo, dầu ăn, thịt hộp, mì tôm) và đồ tươi sống (chủ yếu là thịt, cá, củ, quả). Riêng huyện Hòa Vang, chỉ cung ứng thịt, cá.
Tổ hậu cần tại phường Nại Hiên Đông đi chợ về phân phát cho từng hộ dân để người dân không ra đường. Ảnh: HOÀI AN.
Đối với các hộ nghèo, khó khăn đã được tổ dân phố lên danh sách sẽ được cung ứng miễn phí qua kênh tổ phục vụ tại từng tổ dân phố, xóm. Đối với gia đình bình thường sẽ cung ứng hàng hóa theo nguyên tắc tự chi trả và đặt hàng qua các tổ phục vụ.
“Về mặt hàng tươi sống, TP đã đặt được mỗi ngày 157 tấn. Nguồn gạo thì dồi dào nhưng sở cũng đã liên hệ với cục dự trữ quốc gia để có phương án dự phòng. Sở công thương sẽ nắm danh sách các chuỗi cung ứng và chuyển về các quận, huyện để chủ động liên hệ. Nếu thiếu chúng tôi sẽ điều phối về cho từng phường”, bà Phương nói.
Bà Phương thông tin thêm, Sở Công thương, có vai trò trung gian, liên hệ với nhà cung ứng, tăng cường nguồn hàng nhập về tại Đà Nẵng. Ngoài ra ngành công thương liên hệ các tỉnh thành để chủ động việc đặt hàng trước, đảm bảo hàng hóa cho người dân. Sở này cũng có vai trò điều tiết, phân phối nguồn hàng cho các quận, huyện.
Thần tốc 7 ngày tách F0 ra khỏi cộng đồng
Bà Ngô Thị Kim Yến (Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng) cho biết, Ban chỉ đạo chống dịch đã ra Chỉ thị 05 nhầm hạn chế ra đường. Tuy nhiên, hiện tại người ra đường vẫn còn nhiều và F0 trong cộng đồng vẫn còn.
Mặc dù TP Đà Nẵng ra Chỉ thị 05 hạn chế người ra đường nhưng vẫn phát hiện F0 trong cộng đồng nên phải áp dụng biện pháp mạnh hơn. Ảnh: HẢI HIẾU
Sở dĩ, Ban chỉ đạo đưa ra mốc 7 ngày cấm ra đường là cơ hội để rà soát và xét nghiệm diện rộng trên địa bàn TP nhằm tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Sau 7 ngày, nếu không có còn F0 trong cộng đồng thì không chắc chắn sẽ về trạng thái bình thường mà vẫn có thể còn áp dụng theo Chỉ thị 16 của Chính phủ hoặc Chỉ thị 05 của TP Đà Nẵng.
“Lực lượng y tế tập trung xét nghiệm đại diện hộ gia đình, với quy mô hơn 330.000 người. Mỗi đại diện hộ sẽ xét nghiệm hai lần trong thời gian từ ngày 16-18 và từ ngày 19-21”, bà Yến nói.
Theo bà Yến, phải tổ chức xét nghiệm làm sao tất cả hộ gia đình đều lấy mẫu không sót hộ gia đình nào. Việc lấy mẫu giãn cách thực sự theo từng tổ dân phố và thực hiện cuốn chiếu tránh tập trung đông người.
Bên cạnh đó, bà Yến thông tin F1 phải được cách ly tập trung một tuần và có 3 lần lấy mẫu xét nghiệm. Nếu các lần đều âm tính mới được cách ly tại nhà.
“Ngành y tế Đà Nẵng cố gắng hết sức chỉ được 6.000 ca bệnh, nếu vượt qua con số này thì quá tải. Chúng ta đang cố gắng mọi thứ để không có số ca bệnh như trên. Nên tôi mong muốn người dân ý thức, tự giác về các khuyến cáo đã được tuyên truyền để cùng TP vượt qua dịch bệnh”, bà Yến nói.