Ngày 20-8, Đà Nẵng ghi nhận 167 ca mắc mới, trong đó 108 ca đã cách ly, 12 ca trong khu phong tỏa và 43 ca cộng đồng.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh, cho biết khả năng sáng chủ nhật (22-8), TP mới có thể đánh giá cụ thể và đầy đủ kết quả xét nghiệm đợt 1, đợt 2. Ngày mai, UBND TP, ban chỉ đạo sẽ có quyết định phương án phòng chống dịch sau khi hết thời gian thực hiện quyết định 2788 (dừng tất cả mọi hoạt động trên địa bàn, người dân tuyệt đối không ra đường để chống dịch -PV). Tinh thần là các biện pháp sau 8 giờ ngày 23-8 sẽ như 2788”.
Ông Chinh cho hay, lo nhất lúc này là tính toán làm sao để đảm bảo đời sống cho nhân dân, cho nên khi ban hành quyết định sẽ có hướng dẫn về công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Lãnh đạo TP giao Sở Công thương, Sở LĐ-TB&XH, các quận, huyện bám sát chỉ đạo của UBND đối với các nguồn hàng hỗ trợ của Trung ương, doanh nghiệp để phân bổ đến người dân. Do năng lực của các đơn vị cung ứng nên TP chỉ hỗ trợ được 50.000 hộ nghèo, còn giao cho UBND các quận, huyện chủ động nhận tiền mua hàng cho người dân.
“Sáng nay ủy ban đã họp và giao nhiệm vụ cho các ngành, văn bản thì chưa ban hành nhưng các ngành đã nắm được tinh thần, đề nghị chủ động triển khai, không chờ văn bản”- ông Chinh nói.
Đà Nẵng triển khai tiêm vaccine cho người dân. Ảnh: T.AN
Bà Ngô Thị Kịm Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết trưa 20-8, thông tin trên báo chí nêu Đà Nẵng là 1 trong 10 tỉnh, thành tiêm chậm vaccine. Về phía sở đã làm việc với Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng đã có thông báo sẽ điều chỉnh và đính chính thông tin này. Do Cục đã lấy số liệu không chính xác và phân tích, đánh giá trên nền tảng số liệu không phù hợp.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, cho biết thông tin tiêm vaccine chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đề nghị cung cấp vaccine về cho TP. Ông yêu cầu Sở Y tế sớm có văn bản thông báo kết quả tiêm vaccine đến thời điểm này cho cơ quan thông tin đại chúng nắm được để phản ánh kịp thời số lượng tiêm vaccine, kết quả tiêm vaccine cụ thể.
Về việc cho phép shipper hoạt động để giao nhu yếu phẩm cho người dân, ông Quảng cho hay, toàn bộ đội ngũ này đã được tiêm vaccine và được xét nghiệm trước khi hoạt động. Khi đi hoạt động shipper phải mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay, thường xuyên sát khuẩn như nhân viên y tế khi lấy mẫu xét nghiệm.
“Đây là điều kiện tiên quyết trong quá trình hoạt động”- ông nhấn mạnh.
Theo Bí thư, hiện TP đang đứng trước rất nhiều áp lực, vừa tập trung phát hiện F0 trong cộng đồng, đồng thời có biện pháp ngăn chặn lây nhiễm ngoài TP, bởi chỉ cần một ca ở bên ngoài lọt vào thì tất cả công sức, nỗ lực sẽ trở nên vô nghĩa.
“Chúng ta phải hết sức quan tâm việc ngăn chặn từ xa. Đồng chí giám đốc Sở Y tế nói về chi phí cho việc test nhanh người vào TP là con số không nhỏ nhưng không làm thì cũng không được. Quan trọng nhất là phải thấy được TP đã chấp nhận bỏ ra chi phí rất lớn như vậy để thấy trách nhiệm của chúng ta trong việc này”- ông Quảng nói thêm.