Đề xuất: Thanh tra môi trường có thể kiểm tra không báo trước

Một trong những nội dung mới của dự án Luật Bảo vệ môi trường trình kỳ họp 9, Quốc hội xem xét lần này là việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về bảo vệ môi trường không cần thông báo công bố trước để đảm bảo tính hiệu quả.

Ông Lương Duy Hanh, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT thông tin về việc sửa đổi Luật bảo vệ môi trường. Ảnh: CTV

Có đơn vị ghi hẳn cách đối phó thanh tra lên bảng kế hoạch

Theo đó, điểm b, khoản 2, Điều 174 (dự thảo) nêu: Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao. Việc thanh tra đột xuất không công bố trước trong trường hợp cần thiết.

Trao đổi với báo chí về đề xuất này, ông Lương Duy Hanh, đại diện Vụ pháp chế, Bộ TN&MT cho biết lý do đưa ra đề xuất trên nhằm tăng cường hiệu quả các cuộc thanh tra đột xuất, đề phòng trường hợp đối tượng bị thanh tra biết trước có hành động đối phó với công tác thanh tra.

“Thực tế có lần chúng tôi vào thanh tra môi trường một đơn vị ở Lào Cai thì thấy đơn vị này ghi hẳn lên bảng kế hoạch cách đối phó với đoàn thanh tra” – ông Hanh nói.

Ông Hanh cũng khẳng định, việc thanh tra đột xuất không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị bị thanh tra vì đã được quy định chặt chẽ, cụ thể.

Đặc biệt, chỉ được tiến hành thanh tra đột xuất khi được Bộ trưởng Bộ TN&MT, hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, dự luật cũng quy định thanh tra về bảo vệ môi trường không quá một lần trong một năm đối với một tổ chức, cá nhân hoặc không quá một lần trong hai năm liên tiếp đối với các tổ chức, cá nhân. Quy định này sẽ hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Lo ngại gây phiền hà cho doanh nghiệp

Liên quan đến đề xuất này, báo cáo thẩm tra dự luật của Uỷ ban khoa học công nghệ và môi trường (cơ quan thẩm tra dự luật), cho biết có nhiều ý kiến đồng ý với việc cần có quy định về thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cần thận trọng xem xét kỹ vấn đề này vì việc thanh tra đột xuất đã được quy định mang tính nguyên tắc tại Luật Thanh tra.

“Trường hợp cần quy định trong dự thảo Luật thì phải xác định rõ nguyên tắc, điều kiện tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất để tránh tình trạng áp dụng tùy tiện gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp” – báo cáo thẩm tra nêu.

Trao đổi với báo chí về nội dung này, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng việc thanh tra đột xuất vẫn cần phải công bố cho đối tượng bị thanh tra biết trước.

Vì mục đích của thanh tra là phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật.

“Đối với việc thanh tra, dù là đột xuất, cũng phải theo tuân theo quy định, tránh xáo trộn, thiếu hiệu quả hoặc sai lầm đáng tiếc” – bà Thoa nói.

Theo bà Thoa, quy định về các trường hợp về thanh tra đột xuất đã được nêu rõ tại Luật thanh tra. Trong đó có yêu cầu đối tượng bị thanh tra phải cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra... và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

“Do đó cần phải thông báo cho đối tượng thanh tra để họ có thời gian chuẩn bị đầy đủ các tài liệu theo quy định” – bà Thoa nói.

Về lo ngại nếu thông báo trước có thể dẫn đến tạo cơ hội cho đối tượng bị thanh tra tẩu tán tài liệu, đối phó, bà Thoa nêu quan điểm: “Cần lưu ý rằng thanh tra cả quá trình thực thi nhiệm vụ chứ không phải là một hoạt động cụ thể, đơn lẻ nào cả, nên khả năng này có thể có, nhưng ít”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm