Theo bộ trưởng, dự thảo luật sau khi được tiếp thu, hoàn thiện bao gồm 16 chương, 186 điều và có nhiều cải cách mạnh mẽ. Trong đó, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 đến 75 ngày. Đáng chú ý, dự luật đã thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường (GPMT)...
Bộ trưởng nêu bất cập trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 khi coi ĐTM như một công cụ quản lý môi trường cho suốt vòng đời dự án, trong khi thực tế triển khai dự án có nhiều thay đổi. Để khắc phục điều này, dự luật chỉ coi ĐTM là công cụ ĐTM trong giai đoạn thực hiện dự án. Khi dự án đi vào vận hành, việc quản lý về môi trường được thay thế bằng công cụ GPMT, đăng ký môi trường.
Theo đó, dự án đầu tư chỉ phải thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường theo một trong bốn trường hợp sau: (1) Chỉ phải thực hiện ĐTM và không phải có GPMT; (2) Phải thực hiện ĐTM và phải có GPMT; (3) Không phải thực hiện ĐTM nhưng phải có GPMT; (4) Không phải thực hiện ĐTM và GPMT…
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng cho biết đây là một trong những đổi mới về phương thức, công cụ quản lý môi trường trong dự thảo luật, thể hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước, trong đó có nội dung về cải cách thủ tục hành chính.
Liên quan đến quy định về đối tượng phải có ĐTM, cơ quan thẩm tra đề nghị cần phân định chi tiết hơn nữa các nhóm dự án và trình tự, thủ tục cho từng nhóm dự án. Đồng thời, phải thống nhất nội dung này với các quy định trong Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư công và Luật PPP đang được trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Về việc tích hợp nhiều nội dung cấp phép riêng lẻ vào GPMT, cơ quan thẩm tra đề nghị cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực một phần, tước quyền sử dụng, thu hồi hoặc cấp lại GPMT...