Ngày 26-5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trình bày tờ trình về dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng, dự thảo luật sau khi được tiếp thu, hoàn thiện bao gồm 16 chương, 186 điều và có nhiều cải cách mạnh mẽ. Trong đó, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính; giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày. Đáng chú ý dự luật đã thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM); tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường...
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà.
Cụ thể, theo quy định của Luật Đầu tư công, dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư thì phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2014 không quy định như vậy. Theo đó, dự luật bổ sung quy định chỉ có những dự án có tác động xấu đến môi trường (gồm 4 loại dự án) mới phải thực hiện yêu cầu này.
Tờ trình cũng chỉ ra bất cập trong Luật BVMT 2014 khi coi ĐTM như một công cụ quản lý môi trường cho suốt vòng đời dự án, trong khi thực tế triển khai dự án có nhiều thay đổi. Để khắc phục điều này, dự luật chỉ coi ĐTM là công cụ đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn thực hiện dự án. Khi dự án đi vào vận hành, việc quản lý về môi trường được thay thế bằng công cụ giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.
Theo đó Luật đã quy định rõ dự án đầu tư chỉ phải thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường theo một trong bốn trường hợp sau: (1) Chỉ phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và không phải có giấy phép môi trường; (2) Phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và phải có giấy phép môi trường; (3) Không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng phải có giấy phép môi trường; (4) Không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng TN&MT cũng cho biết dự luật cũng tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường để tạo sự thuận lợi trong quản lý, đỡ gây phiền hà cho doanh nghiệp. “Dự luật tích hợp 6 loại giấy phép có liên quan vào 1 giấy phép môi trường để cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; gắn thủ tục đánh giá tác động môi trường, cấp phép với trình tự thực hiện dự án đầu tư để tạo sự thống nhất, đồng bộ” – Bộ trưởng TN&MT cho biết.
Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng
Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng cho biết đây là một trong những đổi mới về phương thức, công cụ quản lý môi trường trong dự thảo Luật, thể hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước, trong đó có nội dung về cải cách thủ tục hành chính.
Liên quan đến quy định về đối tượng phải có ĐTM, cơ quan thẩm tra đề nghị cần phân định chi tiết hơn nữa các nhóm dự án và trình tự thủ tục cho từng nhóm dự án thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ ĐTM và đối tượng không phải thực hiện đánh giá sơ bộ ĐTM để dễ thực hiện; đồng thời phải thống nhất nội dung này với các quy định trong Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư công và Luật PPP đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp này.
Về việc tích họp các nhiều nội dung cấp phép riêng lẻ vào giấy phép môi trường (GPMT), cơ quan thẩm tra đề nghị cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực một phần, tước quyền sử dụng, thu hồi hoặc cấp lại GPMT. Việc thẩm định cấp GPMT, thời điểm cấp GPMT nhằm bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về đầu tư, xây dựng, xem xét việc bổ sung quy định thời hạn tối thiểu của GPMT.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau về ĐTM: - Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường chỉ bao gồm những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất, mặt nước lớn và có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và những dự án có phát sinh chất thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Giao Chính phủ quy định những trường hợp được miễn đánh giá tác động môi trường để ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa. - Bổ sung quy định về lộ trình phù hợp yêu cầu các tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề nhằm nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường. - Sửa đổi quy định về thẩm quyền thẩm định đánh giá tác động môi trường của các Bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó dự thảo Luật quy định giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình, trừ đối tượng thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường. - Không quy định về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thay vào đó, quy định việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm căn cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc ban hành văn bản thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở của dự án, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cấp giấy phép môi trường, cấp giấy phép nhận chìm ở biển… Chủ dự án phải có trách nhiệm tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc dự án đầu tư theo đúng quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc thay đổi này nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ dự án trong việc thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, phù hợp với thông lệ quốc tế. - Bãi bỏ thủ tục về xác nhận kế hoạch BVMT, thay vào đó là quản lý bằng công cụ giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường. |