Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh 5 nội dung nổi bật trong sửa Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) lần này, mong các đại biểu đóng góp để cơ quan soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình để trình Quốc hội xem xét, thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (diễn ra vào tháng 5-2020).
Cụ thể, luật sẽ xây dựng nền tảng pháp lý hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải carbon thấp.
Bên cạnh đó, các định rõ vai trò kiến tạo của Nhà nước, vai trò nòng cốt của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thủ tục hành chính 20-85 ngày, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0.
Ngoài ra, bổ sung nhiều công cụ, chính sách kinh tế như: cơ chế đặt cọc - hoàn trả, đóng góp kinh phí để thu gom, tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng; thuế, phí BVMT đối với chất thải, thuế carbon; thị trường phát thải; tín dụng xanh; đầu tư theo hình thức PPP; đầu tư vào vốn tự nhiên; phát triển ngành công nghiệp môi trường...
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.
Đề xuất sửa đổi các chính sách về BVMT đang được quy định tại một số luật khác để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính toàn diện và bao quát của Luật BVMT.
Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội cho hay dự kiến vào ngày 5-5, dự luật sẽ được Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội tiến hành thẩm tra chính thức. Theo ông Dũng, đến nay có nhiều vấn đề về BVMT mới phát sinh trong thực tiễn hiện nay mà luật hiện hành chưa có đủ cơ sở để xử lý, cũng như vấn đề hội nhập quốc tế hiện nay Việt Nam đang tham gia.
“Chúng ta đang chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn tới đã xác định vấn đề môi trường là một trong ba trụ cột chính… Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tư tưởng sửa luật của Chính phủ là sửa đổi toàn diện Luật BVMT” - ông Dũng nói.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết những vấn đề của các địa phương sẽ được Bộ TN&MT ghi nhận chi tiết và có đề xuất hướng xử lý phù hợp. Thông qua hội nghị này, bộ đã nhận thấy sự thay đổi rất lớn trong quan điểm, tư duy của các địa phương trong công tác BVMT.
“Đã đến lúc chúng ta không thể hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế, áp đặt sự phát triển thiếu bền vững lên sức chịu tải của tự nhiên. Đã đến lúc phải đảm bảo chất lượng môi trường và đảm bảo quyền được sống trong môi trường của người dân” - Bộ trưởng TN&MT nhấn mạnh.
Theo ông, sự thay đổi có tính chất cách mạng trong công tác BVMT chỉ thực hiện được khi và chỉ khi có sự kết nối chặt chẽ giữa trung ương và địa phương. Sự kết hợp này thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc thực hiện các cơ chế chính sách, khơi thông, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, BVMT cho phát triển bền vững đất nước.