Chiều 21-4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT).
Tránh làm luật “rất đẹp” nhưng không đi vào cuộc sống
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho hay dự thảo gồm 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động. Đáng chú ý, dự thảo được bố cục theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác…
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng bổ sung nhiều công cụ, chính sách kinh tế nhằm khuyến khích các hoạt động thân thiện môi trường, phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội cho BVMT. Cụ thể như: Cơ chế đặt cọc - hoàn trả, đóng góp kinh phí để thu gom, tái chế, xử lý bao bì; thuế, phí BVMT đối với chất thải…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá dự thảo luật “rất toàn diện”, “rất bài bản”, tất cả vấn đề nêu trong luật đều đúng nhưng cần tập trung vào một vấn đề cụ thể để tránh dàn trải. Ông Bình cũng lưu ý cần tránh trường hợp làm ra “một luật rất đẹp, theo chuẩn quốc tế” nhưng lại không đi vào cuộc sống được.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng việc BVMT không phải chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn liên quan đến trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội, doanh nghiệp, người dân. Ông cũng đề nghị dự thảo luật phải làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể, từng cơ quan quản lý nhà nước, tránh việc đổ lỗi cho nhau và mức chế tài cũng cần được nâng lên.
“Người ta nói giờ bỏ ra một đồng để phát triển kinh tế nhưng nếu không BVMT tốt thì có khi phải bỏ ra mười đồng để xử lý môi trường” - ông Lưu nói.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trình bày tờ trình dự án luật. Ảnh: TTXVN
Đề xuất ngân sách có mục chi riêng cho bảo vệ môi trường
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Hiện Chính phủ đang xin ý kiến Quốc hội về quy định mức chi tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho sự nghiệp BVMT. Theo dự thảo, NSNN có mục chi riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng chi để bảo đảm mức chi tối thiểu 2% tổng chi NSNN, đồng thời cũng có mục chi riêng cho hoạt động đầu tư phát triển BVMT.
Trong báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất quan điểm cần tăng mức chi NSNN cho BVMT. Tuy nhiên, về quy định mức chi cụ thể trong luật, Thường trực Ủy ban xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉ đạo.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng môi trường là lĩnh vực quan trọng và tăng chi phí cho việc BVMT là cần thiết. Tuy nhiên, ông đề nghị cần rà soát cho phù hợp với Luật NSNN.
“Theo quy định của luật ngân sách, các khoản thu đều phải hòa vào, còn chi ra phải lập dự toán. Ở đây lại có một dòng ngân sách riêng cho sự nghiệp môi trường là 2%. Tôi ủng hộ về chủ trương nhưng cụ thể về mặt kỹ thuật lập cần cân nhắc để xử lý vấn đề này” - ông Thanh nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị làm rõ cơ sở nào để đề xuất mức chi cụ thể là 2% trong tổng chi NSNN. “NSNN mà mỗi mảng lại đề xuất như thế thì sẽ bị cắt khúc, phân tán, không còn tập trung nữa” - bà Ngân nói.
Đã cắt giảm 40% thủ tục hành chính Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết các thủ tục hành chính (TTHC) quy định tại dự thảo này đã được cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40%, thời gian thực hiện các TTHC giảm 20-85 ngày. “Dự thảo luật sẽ góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định” - ông Hà nói. Bộ trưởng Hà đã đưa ra dẫn chứng cho việc này đó là thu hẹp khoảng 40% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (giảm khoảng 50 tỉ đồng/năm); tích hợp các TTHC vào giấy phép môi trường (giảm khoảng 86 tỉ đồng/năm). Ngoài ra, quy định trách nhiệm quan trắc môi trường định kỳ của doanh nghiệp cũng được cắt giảm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc gây ô nhiễm môi trường (giảm khoảng 20.000 tỉ đồng/năm). |