Cơ quan nào có thẩm quyền cảnh báo sự cố môi trường?

Từ lùm xùm vụ phát đi thông báo cảnh báo người dân sau sự cố cháy kho hàng của Công ty Rạng Đông (87-89 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), vấn đề thẩm quyền công bố sự cố/thảm họa môi trường được nhiều người đặt ra.

Vụ hỏa hoạn thiêu rụi kho hàng của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông hôm 28-8 có liên quan đến hóa chất nguy hại (thủy ngân), có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Vụ hỏa hoạn này có gây ra sự cố môi trường như định nghĩa tại khoản 10 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2014. Theo đó, “Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng”. Tất nhiên, quy mô, mức độ… của sự cố này như thế nào vẫn cần có kết luận chính thức của cơ quan chuyên môn.

Hiện trường vụ cháy kho hàng Công ty Rạng Đông. Ảnh: VIẾT LONG

Sở TN&MT TP Hà Nội lắp máy quan trắc môi trường sau sự cố cháy kho hàng của Công ty Rạng Đông. Ảnh: AN HIỀN

Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nằm trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung nhưng giáp ranh với phường Hạ Đình. Sau vụ cháy, UBND phường Hạ Đình đã phát đi thông báo cảnh báo người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, sau đó UBND quận Thanh Xuân đã “tuýt còi” việc làm này của UBND phường Hạ Đình vì cho rằng đây là việc làm vượt cấp của chính quyền cơ sở địa phương. Xem xét về vấn đề này trên các yếu tố:

Thứ nhất, khoản 3 Điều 143 Luật BVMT quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT của UBND cấp xã là: “… thực hiện nhiệm vụ BVMT, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn… Chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn”.

Như vậy, có thể hiểu rằng động thái mà UBND phường Hạ Đình ra thông báo khuyến cáo cho người dân trên địa bàn về việc ứng phó sau khi vụ cháy xảy ra tại Công ty Rạng Đông là chính quyền sở tại đang thực thi đúng chức năng của mình là BVMT cho người dân sinh sống tại địa phương. Đồng thời, việc làm đó thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý môi trường tại cơ sở trước cấp trên với sự chủ động, kịp thời trong hoàn cảnh cấp bách chứa đựng nhiều rủi ro có thể xảy ra cho môi trường.

Tiếp nữa, Điều 104 Luật BVMT quy định về nội dung ứng phó sự cố môi trường như sau: “Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố…”.

Vụ cháy xảy ra có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân phường Hạ Đình nên việc UBND phường Hạ Đình nhanh chóng có biện pháp ứng phó trước nguy cơ xảy ra sự cố môi trường bằng việc ra thông báo khuyến cáo cho người dân là hoàn toàn nằm trong phạm vi thẩm quyền, chức năng của chính quyền địa phương.

Thứ hai, Điều 110 Luật BVMT cũng chỉ quy định chung về trách nhiệm xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường của Nhà nước như sau: “Nhà nước xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường và hệ thống trang thiết bị cảnh báo sự cố môi trường”.

Tuy nhiên, luật không có quy định cụ thể về quy trình hoặc lực lượng ứng phó với sự cố môi trường như thế nào. Không biết UBND quận Thanh Xuân dựa vào đâu để cho rằng thông báo của UBND phường Hạ Đình “vượt thẩm quyền”.

ThS PHAN THỊ TƯỜNG VY

Chưa có quy định rõ thẩm quyền cảnh báo môi trường

Vụ cháy xảy ra trên địa bàn phường giáp ranh nhưng với trách nhiệm chăm lo đời sống người dân, phường Hạ Đình quan tâm dân mình và đưa ra cảnh báo là việc làm cần thiết, hợp tình, hợp lý. Hơn nữa, dù thông báo cảnh báo của phường đã bị rút lại nhưng sau đó nội dụng này lại phù hợp với khuyến cáo của Bộ TN&MT.

Hiện Luật BVMT không nêu rõ quy trình ứng phó sự cố theo từng bước nào nhưng có quy định cụ thể về trách nhiệm khắc phục, đối phó với sự cố môi trường, trong phạm vi địa phương hay liên vùng. Tuy nhiên, quy định cụ thể về thẩm quyền đưa ra cảnh báo về rủi ro, sự cố môi trường và công tác phối hợp hầu như chỉ mang tính hướng dẫn chung chứ không quy định cụ thể. Nghị định 19/2015 hay Nghị định 81/2007, Thông tư liên tịch 12/2007 của Bộ TN&MT và Bộ Nội vụ (hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 81/2007)… cũng không nêu rõ cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền cảnh báo rủi ro và sự cố về môi trường. Ngay cả Quyết định 2499/2018 của bộ trưởng Bộ TN&MT cũng chỉ nói khi xảy ra các sự cố đột xuất về môi trường thì Sở TN&MT xử lý theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao; báo cáo ngay UBND cấp tỉnh, Bộ TN&MT tình hình, nguyên nhân, kết quả xử lý...

Tóm lại, hiện chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền và phạm vi cảnh báo của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến sự cố về môi trường. Vì vậy, Nhà nước cần có quy định cụ thể, rõ ràng nhằm tránh chồng chéo, giẫm chân, để việc công bố sự cố môi trường hay phát đi cảnh báo đảm bảo tính khoa học, chính xác và nhanh chóng, kịp thời.

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

PHƯƠNG LOAN ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm