Sáng 11-7, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX đã bước vào phiên chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Huỳnh Thanh Nhân về chủ đề năm “Đẩy mạnh nếp sống văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân khẳng định, theo luật di sản thì công trình Trụ sở hỏa xa không thể tháo dỡ. Ảnh: T.LÂM
Tại buổi chất vấn, đại biểu Đinh Thị Thanh Thủy (quận Bình Thạnh) bày tỏ quan tâm về công trình Trụ sở hỏa xa tại số 136 Hàm Nghi (quận 1). Đây là 1 trong 23 công trình kiến trúc nghệ thuật ở quận 1 được UBND TP đưa vào danh mục di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh TP.HCM (giai đoạn 2016-2020).
Bà Thủy đã đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP cho biết về việc bảo tồn tòa nhà này hiện như thế nào.
Trả lời đại biểu, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP cho biết Trụ sở hỏa xa đang thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý. Vừa qua, Sở Văn hóa – Thể thao TP đã cùng các sở, ngành có liên quan làm việc với lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Theo ông Nhân, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý về mặt cơ sở vật chất, còn dưới công tác quản lý nhà nước thì TP quản lý Trụ sở hỏa xa theo Quyết định 923 về danh mục kiểm kê các công trình kiến trúc để xếp hạng di tích.
Ông Nhân cũng cho biết Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có mong muốn đầu tư xây dựng lại tòa này này phục vụ cho hoạt động của tổng công ty. Qua họp bàn với các sở, ngành thì đã đặt ra vấn đề phải bảo tồn phần công trình hiện hữu.
“Theo Luật Di sản thì công trình này không thể tháo dỡ”- ông Nhân khẳng định và cho biết đã báo cáo cho UBND TP.
Về công tác trùng tu bảo tồn di tích, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết UBND TP đã làm việc với Sở và các quận/huyện rà soát các di tích để trùng tu.
UBND các quận/huyện sẽ là chủ đầu tư các di tích, còn Sở Văn hóa – Thể thao TP sẽ thẩm định, hỗ trợ các quận/huyện để trùng tu, bảo tồn. Công trình nào cần ý kiến của các Bộ thì Sở Văn hóa – Thể thao TP sẽ hỗ trợ hết mình.
Đề nghị in mã QR dưới tên đường Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân (quận Gò Vấp) đặt vấn đề về việc dựng thêm bảng thông tin về tên đường Lê Văn Duyệt mới được đổi từ đường Đinh Tiên Hoàng ở quận Bình Thạnh. "Bảng thông tin này phải có song ngữ Anh – Việt, vừa để giới trẻ hiểu thêm về lịch sử, vừa quảng bá văn hóa cho du khách" - đại biểu Xuân nói. Theo bà Xuân, nhiều cử tri cũng đề xuất một cách làm là cấp mã QR ở ngay dưới tên mỗi con đường, nhằm phục vụ người dân và du khách có nhu cầu tìm hiểu về tên đường. |
(PLO)- Trách nhiệm xử lý nằm ở nhiều nơi từ cơ quan quản lý văn hóa, đến môi trường, và cả quận huyện nhưng hiệu quả xử lý tình trạng tiếng ồn từ karaoke loa kéo còn hạn chế.