Xử karaoke loa kéo: Địa chỉ trách nhiệm nhiều, hiệu quả thấp
Sáng 11-7, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX đã bước vào phiên chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Huỳnh Thanh Nhân về chủ đề năm “Đẩy mạnh nếp sống văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.
Khắc phục tiếng ồn karaoke loa kéo ra sao?
Đặt câu hỏi ông Nhân, đại biểu Tăng Hữu Phong (quận Tân Phú), cho biết trong phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu đã nêu tình trạng karaoke loa kéo đang là vấn nạn.
Theo đại biểu Phong, vấn đề bà Châu nêu đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Từ đó, đại biểu Phong đề nghị Giám đốc Huỳnh Thanh Nhân cho biết quan điểm của Sở Văn hóa - Thể thao về vấn đề này như thế nào và giải pháp khắc phục ra sao?
Bà Tô Thị Bích Châu nói tại phiên chất vấn. Ảnh: LÊ THOA
Trước đó, tại phiên khai mạc, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đã đề nghị UBND TP đưa nội dung cam kết “không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào” vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp.
Tại phiên chất vấn này, bà Tô Thị Bích Châu tiếp tục đứng lên nói rõ hơn về vấn nạn karaoke loa kéo. Bà Châu cho rằng tại các buổi họp tổ dân phố ở các khu dân cư thì người dân phản ánh việc bị làm phiền bởi hát karaoke, người dân tổ chức tiệc tùng mở hát karaoke loa kéo...
“Chúng ta không thể cấm họ hoạt động tinh thần nhưng khi anh có hành vi đó thì không nên làm phiền người khác, khi đã làm phiền thường dẫn đến làm phiền liên tục, sẽ ảnh hưởng đến người dân ở trong khu dân cư, ảnh hưởng đời sống người dân rất lớn” - bà Châu nói và dẫn chứng vụ việc tháng 4-2020 ở Bình Chánh khi hát karaoke, do xô xát đã xảy ra án mạng.
“Điều này gây nên sự bức xúc âm ỉ kéo dài ở các khu dân cư, đó không phải là hoạt động tốt” - bà Châu nói lý do bà đề nghị đưa nội dung này vào cam kết “không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào” vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp để người dân tự giác thực hiện.
Từ đó, mọi người tôn trọng nhau, còn nếu không chấp hành thì sẽ dùng biện pháp hành chính sẽ hiệu quả hơn.
46 trường hợp gây tiếng ồn bị xử lý
Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Huỳnh Thanh Nhân, cho biết vài năm qua, Sở đã nhận được nhiều phản ánh của người dân. Ông Nhân khẳng định với trách nhiệm của ngành văn hóa – thể thao TP, tất cả phản ánh đều được cho thanh tra, phối hợp với các quận/huyện để xử lý tiếng ồn.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM giải trình về tiếng ồn karaoke loa kéo. Ảnh: TÁ LÂM
Theo ông Nhân, trách nhiệm xử lý vấn đề này thuộc về nhiều cơ quan. Trong đó, Sở Văn hóa-Thể thao có thanh tra của Sở. Sở cũng là trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về văn hóa xã hội, phối hợp cùng Sở TN&MT.
“Xử lý theo Nghị định 155/2016 thì Sở không có chức năng để đo tiếng ồn. Nên chúng tôi phải ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng để đo và xử lý theo quy định” – ông Nhân nói.
Ông cũng thông tin, theo Nghị định 167/2013 thì Công an TP được xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự nên được xử lý được tiếng ồn nhưng mức xử phạt thấp. Còn xử lý theo Nghị định 155 là trách nhiệm của ngành TN&MT.
Ông Nhân cho biết thêm, Sở Văn hóa – Thể thao đã tham mưu cho UBND TP hai văn bản về việc giao trách nhiệm cho các ngành liên quan. Cụ thể là ngành: Văn hóa – Thể thao, Công an TP, TN&MT, UBND các quận/huyện và đề nghị MTTQ, các đoàn thể phối hợp tuyên truyền vận động.
“Văn bản nêu rõ trách nhiệm tại địa bàn dân cư là trách nhiệm của chủ tịch phường/xã và trưởng công an phường/xã” – ông Nhân khẳng định.
Người đứng đầu ngành Văn hóa – Thể thao cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với quận/huyện trong xử lý. Ông đề nghị ngành công an chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý, hạn chế phát sinh tiếng ồn từ karaoke và các hoạt động khác, tránh xảy ra các hành vi lớn tiếng.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng chưa rõ trách nhiệm của các sở ngành liên quan trong xử lý tiếng ồn karaoke loa kéo. Ảnh: TÁ LÂM
Ngay sau khi nghe Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao trả lời như trên, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM đã đề nghị Giám đốc Sở TN&MT nêu ý kiến về vấn đề này.
Lý giải rõ hơn, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết từ năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 167 cho phép thẩm quyền UBND các cấp tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát tiếng ồn từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng ở các khu dân cư.
Trên địa bàn TP.HCM, sáu tháng đầu năm nay có 46 trường hợp đã bị lập biên bản xử lý, mức phạt từ 100-300 ngàn đồng.
“Dù mức phạt tiền thấp nhưng đây là một giải pháp để chấn chỉnh ngay ban đầu việc gây tiếng ồn trong khu dân cư”- ông Thắng nói và dẫn chứng từ vụ việc ở phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) đã có trường hợp bị xử lý.
Ngoài ra, năm 2016 Chính phủ cũng ban hành Nghị định 155 cho phép ngành TN&MT cùng các cơ quan chức có thẩm quyền đo đạc và xử lý tiếng ồn.
“Ngành TN&MT sẽ tiếp thu và tham mưu cho UBND TP về tập trung hướng dẫn xử lý liên quan đến nguồn gây ra tiếng ồn lớn. Sau kỳ họp này sẽ có hướng dẫn cho các địa phương xử lý”- ông Thắng nói.
Qua các giải trình của các sở ngành, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát lại quy định pháp luật và các tiêu chí ứng xử văn hóa cộng đồng để bổ sung, tuyên truyền vận động người dân cùng nhau xây dựng khu phố văn hóa. Từ đó có biện pháp xử lý phù hợp hơn.
"Như hiện nay trách nhiệm của các cơ quan chưa thống nhất với nhau, có cùng phối hợp kiểm tra, thậm chí cùng tiếp cận sự việc ở một quận nhưng cán bộ văn hóa của quận nói cái này của phòng TN&MT, rồi phòng TN&MT nói của công an. Như thế chưa rõ trách nhiệm"- bà Lệ nói.
(PLO)- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã đề nghị UBND TP đưa nội dung "cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào" vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp.