UBND TP Hà Nội vừa đồng ý kế hoạch tưới nước rửa đường tại 30 quận, huyện, thị xã. Theo đó, trong những ngày nắng nóng trên 36 độ C, Hà Nội sẽ rửa đường, làm mát tại các tuyến đường có tổ chức lễ kỷ niệm, sự kiện, tại những thời điểm nắng nóng kéo dài, chất lượng không khí kém; các tuyến phố chính phát sinh bụi bẩn…
Việc rửa đường tuân thủ nguyên tắc đảm bảo vệ sinh môi trường, không chồng lấn với hoạt động của xe quét hút và không tưới nước rửa đường trong ngày mưa.
Căn cứ vào những tiêu chí trên, các địa phương đưa ra phương án rửa đường với từng tuyến đường, phố trên địa bàn. Các địa phương xây dựng phương án tập trung vào các khu vực trung tâm, các tuyến đường chính, trọng điểm… với tần suất, thời gian duy trì phù hợp, đúng quy trình, đảm bảo hiệu quả và tránh lãng phí.
Theo UBND TP Hà Nội, dự kiến trong năm 2020, khối lượng rửa đường thường xuyên là gần 470.000 km, không thường xuyên là gần 60.000 km.
Kinh phí rửa đường năm 2020 của TP Hà Nội là trên 114 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. Trong đó, quận Cầu Giấy có dự kiến chi cao nhất gần 11 tỉ đồng, huyện Ba Vì đứng thứ hai với 7,8 tỉ đồng, huyện Quốc Oai đứng thứ ba với 7,5 tỉ đồng và thấp nhất huyện Đông Anh gần 500 triệu đồng.
Trước đó, TP Hà Nội đã quyết định dừng tưới nước rửa đường từ tháng 2-2017 để thay thế bằng các xe hút bụi, quét rác mini được nhập ngoại. Một xe hút rác mỗi ngày hút được 1,5 m3 bụi, rác, bằng sức làm của 12 công nhân. Do vậy, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng dùng máy hút bụi rác sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 70 tỉ đồng tưới nước mỗi năm.
Theo kế hoạch, quận Hoàn Kiếm phân loại rửa đường 3 lần/tuần để phục vụ không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận; phục vụ tuyến phố đi bộ phố cổ. Các tuyến phố trục chính Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng rửa hàng ngày và các tuyến phố phục vụ an ninh trật tự (chống đua xe) rửa 4 lần/tuần.
Quận Ba Đình có kế hoạch rửa đường ở 37 tuyến phố, trong đó đa số đều rửa 1 lần/tuần. Quận Cầu Giấy gần 50 tuyến phố và đều rửa hàng ngày.
Các huyện có tần suất rửa đường ít hơn ở trong nội thành. Cụ thể, Đông Anh rửa đường 2 lần/tháng (24 lần/năm); Thường Tín 128 lần/năm; huyện Mê Linh 234 lần/năm. Hai huyện Sóc Sơn và Ba Vì duy trì việc rửa đường hàng ngày ở các tuyến đường, phố chính...
Một bạn đọc phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM cho biết: “Chị T., một người dân ở phường 9, quận Gò Vấp, trồng một loài cây cấm trồng to như cổ thụ trên vỉa hè trước nhà, gây nguy hiểm cho khu dân cư và mất an toàn địa phương”.