Hà Nội ứng phó thế nào khi xuất hiện 5.000 ca bệnh tại các khu công nghiệp?

Ngày 5-7, sau gần 10 ngày Hà Nội không xuất hiện ca lây nhiễm mới ngoài cộng đồng, một bảo vệ của Công ty linh kiện điện tử SEI, tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã bị phát hiện lây nhiễm bệnh do có lịch sử dịch tễ liên quan đến ổ dịch Bắc Giang.

Ca bệnh này báo động một đợt nguy cơ bùng phát dịch tại Khu công nghiệp tập trung đông đảo người lao động nhất tại Hà Nội.

Điểm nóng Khu công nghiệp Thăng Long

Ngay lập tức, khoảng 3.000 công nhân, nhân viên của công ty đã bị “phong toả” tại chỗ, hàng vạn công nhân của các doanh nghiệp khác tại khu công nghiệp khác cũng bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động sản xuất, nâng cao mức độ phòng ngừa dịch.

Chỉ sau 10 ngày, từ ca bệnh đầu tiên, Hà Nội đã ghi nhận 46 F0 liên quan đến ca bệnh này, phần lớn trong số đó là công nhân, nhân viên của SEI. 

Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) vắng ngắt do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Theo Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội hiện nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại Khu công nghiệp Thăng Long là rất cao, đến nay có hơn 100 doanh nghiệp tại đây có nguy cơ đình trệ sản xuất. Đặc biệt là tình hình dịch tại Công ty SEI, đến nay đã qua 10 ngày nhưng hơn 3.000 công nhân, nhân viên của SEI vẫn phải ăn, ngủ tập trung tại công ty, mọi hoạt động sản xuất bị đình trệ. 

Đối thoại trực tuyến tại cuộc làm việc của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ở Khu công nghiệp Thăng Long ngày 15-7, đại diện công ty này cho biết: Việc cách ly lâu dài tại công ty không đảm bảo cho sức khỏe người lao động, nguy cơ lây nhiễm chéo cao. Hơn nữa việc dừng sản xuất ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng linh kiện của công ty và đời sống người lao động.

Theo đó đơn vị này đề xuất được TP tạo điều kiện cho thuê cơ sở lưu trú bên ngoài để làm chỗ cách ly tập trung cho công nhân, đồng thời được phép sản xuất lại từ ngày 25-7 với điều kiện đảm bảo phòng dịch.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chỉ đạo, rút kinh nghiệm ca lây nhiễm tại Công ty SEI, các doanh nghiệp phải chủ động có phương án phòng dịch chủ động, kiểm soát chặt chẽ nhân viên, người lao động để nếu có tình huống phát sinh thì “có thể vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh”.

"Địa phương, Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất cùng vào cuộc với doanh nghiệp để đảm bảo đời sống cho người lao động, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch" - ông Chu Ngọc Anh yêu cầu.

“Như Thủ tướng đã chỉ đạo: An toàn và sức khỏe của nhân dân phải đặt trước hết và trên hết… nên ưu tiên hàng đầu lúc này là “làm sạch” địa bàn để ưu tiên phòng chống dịch. Đây là nỗ lực của địa phương, BQL và doanh nghiệp để cùng tìm phương án, có thể chia giãn cách ca lao động tùy vào tình hình cụ thể để đáp ứng yêu cầu vừa “làm sạch” nhanh nhất nhưng phải bảo đảm yêu cầu chống dịch.

Phương án là cần đưa nơi sản xuất và nơi ở của công nhân gần nhau để quản lý chặt chẽ. Nếu các bên chung tay, phối hợp hiệu quả “làm sạch”, bảo đảm được cả hai yếu tố thì mới quay lại sản xuất” - Chủ tịch Hà Nội nói thêm.

Kịch bản ứng phó với 5.000 ca bệnh.

Trước nguy cơ tại ổ dịch Khu công nghiệp Thăng Long, cùng tình hình dịch phức tạp tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất ở các tỉnh phía Nam, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ban hành phương án ứng phó với các kịch bản dịch phát sinh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh trên địa bàn.

Theo đó, phương án ứng phó của Hà Nội chia ra làm bốn kịch bản, trong đó kịch bản xấu nhất là xuất hiện khoảng 5.000 ca bệnh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, liên quan đến 200.000 người là F1. Ở tình huống này, Hà Nội yêu cầu phải thực hiện cách ly phân theo hai nhóm gồm công nhân tại các khu công nghiệp và người dân tại cộng đồng.

Trong đó, đối với F1 là công nhân tại các khu công nghiệp, trường hợp các F1 lưu trú tập trung tại một số địa điểm cụ thể, tổ chức cách ly y tế vùng các nơi lưu trú tập trung này theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trường hợp các F1 sinh sống tản mát tại nhiều địa điểm, không có khả năng triển khai cách ly y tế vùng thì thực hiện cách ly tại nơi lưu trú dã chiến.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh làm việc về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Khu công nghiệp Thăng Long ngày 15-7.

Đối với F1 là người dân cộng đồng sẽ thực hiện cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung nếu số lượng không vượt quá năng lực tổ chức cơ sở cách ly tập trung của TP.

Cùng với đó, TP sẽ xem xét cách ly y tế tại nhà có sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng địa phương khi số lượng vượt quá 40.000 người. Ở kịch bản này, Hà Nội cũng sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đối với các huyện có số ca mắc lớn, các huyện lân cận giãn cách theo Chỉ thị 15 và toàn TP theo Chỉ thị 19.

Để ứng phó với kịch bản xấu nhất này, Hà Nội cũng xây dựng phương án đảm bảo năng lực xét nghiệm đạt 250.000 mẫu đơn/tuần, thực hiện trong bốn tuần với sự hỗ trợ xét nghiệp của các cơ sở Y tế cả khu vực công lẫn tư nhân nằm trên địa bàn.

Đặc biệt, tại kịch bàn này Hà Nội sẽ kích hoạt việc chuyển đổi công năng của bốn bệnh viện (Bắc Thăng Long, Mê Linh, Gia Lâm, Ba Vì) để điều trị các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng thông thường. Kích hoạt một số phòng khám đa khoa khu vực Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh để điều trị bệnh nhân, cũng như thiết lập thêm các cơ sở cách ly, điều trị tại chỗ khác.

Ngoài ra Hà Nội cũng kích hoạt việc chuyển đổi công năng 50% đối với một số bệnh viện đảm bảo 1.000 giường bệnh (gồm các bệnh viện Sơn Tây, Vân Đinh, Đống Đa, Đông Anh) để điều trị cho bệnh nhân có chuyển biến nặng, cần can thiệp y tế.

Đồng thời chỉ định các bệnh viện tuyến cuối (Thanh Nhàn, Đức Giang) thu dung các bệnh nhân nặng và kích hoạt bệnh viện dã chiến Mê Linh để điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm