Hội nghị Trung ương 13 bàn về văn kiện và nhân sự

Sáng 5-10, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII khai mạc. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng.

Ngoài đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và dự kiến kế hoạch năm 2021, bài phát biểu của người đứng đầu Đảng, Nhà nước cho thấy: Trung ương đang tập trung hoàn chỉnh dự thảo các văn kiện và xúc tiến công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới.

Văn kiện Đại hội XIII: Còn tiếp tục cập nhật

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết thông thường như các kỳ đại hội trước, dự thảo các văn kiện đã in gửi tháng 4 vừa qua để đại hội đảng bộ các cấp góp ý thì đến nay có thể sử dụng để xin ý kiến đại biểu Quốc hội, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 xuất hiện sau tết Nguyên đán dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu với những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đã tác động lớn tới đất nước. Vì vậy, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các tiểu ban khẩn trương nghiên cứu cập nhật tình hình mới, đồng thời tiếp thu góp ý xác đáng thu nhận được từ đại hội các cấp để hoàn thiện thêm một bước dự thảo các văn kiện này.

Trong dự thảo mà Bộ Chính trị trình tại Hội nghị Trung ương 13 có những vấn đề còn ý kiến khác nhau, nhiều nội dung được bổ sung, sửa đổi so với dự thảo trước. Tuy nhiên, cấu trúc chung vẫn coi Báo cáo chính trị là trung tâm. Các báo cáo khác gồm Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng và nhóm Báo cáo kinh tế - xã hội (gồm Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025).

Các báo cáo khác này có tính chất chuyên đề, chuyên sâu, phải đồng bộ, thống nhất Báo cáo chính trị.

Đây là một nội dung mà Trung ương sẽ tập trung thảo luận, góp ý để Bộ Chính trị hoàn thiện các dự thảo, gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, dự kiến vào trung tuần tháng 10 này.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình hội nghị. Ảnh: TTXVN

Nhân sự BCH Trung ương: Làm trước

Về công tác nhân sự, để chuẩn bị nguồn nhân sự Trung ương khóa XIII, từ cuối tháng 12-2018, các cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc Trung ương đã tiến hành giới thiệu quy hoạch cán bộ cấp chiến lược BCH Trung ương. Theo quy trình năm bước, trên cơ sở đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị đã bốn lần phê duyệt nhân sự quy hoạch với tổng số 227 ứng viên. Bộ Chính trị, Ban bí thư đã chỉ đạo mở năm lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho nhóm được quy hoạch này.

Đáng chú ý, trong quá trình triển khai công tác nhân sự Đại hội XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay hồi tháng 7, ông đã thay mặt Bộ Chính trị, “gửi thư đến các đồng chí ủy viên Trung ương khóa XII, đề nghị từng đồng chí đề xuất ý kiến về cá nhân mình và giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thay thế mình”.

Trên cơ sở kết quả quy hoạch, rồi tổng hợp ý kiến các ủy viên Trung ương hồi đáp thư, Tiểu ban Nhân sự rồi Bộ Chính trị đã họp thông qua cơ cấu và nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia BCH Trung ương khóa XIII. Căn cứ vào đó, Tiểu ban Nhân sự đã thông báo cho các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức việc giới thiệu nhân sự.

Trưởng Tiểu ban Nhân sự, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị báo cáo với Trung ương: “Nhìn chung, việc tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự BCH Trung ương đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm tiến độ, đúng quy trình, hướng dẫn của Tiểu ban Nhân sự. Tiểu ban Nhân sự đã chỉ đạo 10 cơ quan chức năng và địa phương liên quan tiến hành thẩm định, kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện đối với các nhân sự đã được giới thiệu”.

107 ứng viên được giới thiệu theo diện sẽ lần đầu vào vị trí ủy viên chính thức Trung ương khóa XIII. Tính đến ngày 20-8, toàn bộ 116/116 địa phương, cơ quan, đơn vị đã giới thiệu: 119 ứng viên theo diện tái cử (cả chính thức và dự khuyết); 107 ứng viên theo diện sẽ lần đầu vào vị trí ủy viên chính thức và 44 ứng viên vào vị trí ủy viên dự khuyết BCH Trung ương khóa XIII. 

10 cơ quan tham gia công việc quan trọng này là Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.

Trên cơ sở Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự đã được Trung ương thông qua, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, xem xét một cách khách quan, công tâm, toàn diện, thảo luận kỹ lưỡng dự kiến danh sách giới thiệu ứng cử ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII (gồm tái cử và tham gia lần đầu), cũng như nhân sự dự kiến tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa tới.

Tại Hội nghị Trung ương 13 này, Bộ Chính trị trình Trung ương kết quả giới thiệu nhân sự của cơ sở và ý kiến của Bộ Chính trị về các nhân sự được giới thiệu.

Phát biểu khai mạc của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho thấy tại Hội nghị 13 này, Trung ương chưa “làm nhân sự” Bộ Chính trị, Ban bí thư, mà mới tập trung vào BCH Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Sau hội nghị, Bộ Chính trị sẽ tiếp tục chuẩn bị, xem xét, bổ sung hoàn thiện các phương án về nhân sự, bảo đảm đủ về số lượng, đúng về tiêu chuẩn, chất lượng và hoàn chỉnh các hồ sơ để báo cáo Trung ương xem xét, quyết định thông qua ở hội nghị sau, trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị Trung ương 13 dự kiến kéo dài đến ngày 10-10.

Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn

Người đứng đầu Đảng lưu ý và đề nghị Trung ương khi thảo luận vấn đề nhân sự cần bám sát Phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của BCH Trung ương trên các địa bàn, lĩnh vực công tác có cơ cấu ủy viên Trung ương khóa XIII. Theo đó, các ứng viên phải đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của trung ương và địa phương, nhất là ở những lĩnh vực trọng yếu, địa bàn phức tạp, trọng điểm. Đồng thời cần chú ý công tác nhân sự Đại hội XIII còn phải góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng trước mắt cũng như lâu dài.

Khi xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng; phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ là chính nhưng cũng cần quan tâm, chú ý đến cơ cấu hợp lý, cân đối giữa các địa bàn, lĩnh vực công tác và các khối; giữa trung ương và địa phương; cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và yếu tố vùng miền hợp lý...

Tuy nhiên, cũng không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Công tác nhân sự phải bảo đảm dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, minh bạch; kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện công tác nhân sự, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy