Sáng 29-4, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập năm cơ quan báo chí thuộc UBND TP.HCM. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì lễ công bố.
Tham dự còn có ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng lãnh đạo các sở ngành và lãnh đạo các cơ quan báo chí.
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, công bố quyết định. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tại buổi lễ, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM đã công bố năm quyết định của UBND TP về thành lập năm cơ quan báo chí thuộc UBND TP.HCM.
Cụ thể, thành lập Báo Pháp Luật TP.HCM thuộc UBND TP.HCM trên cơ sở tổ chức lại Báo Pháp Luật TP.HCM thuộc Sở Tư pháp TP.HCM.
Thành lập Tạp chí Du lịch TP.HCM thuộc UBND TP.HCM trên cơ sở tổ chức lại Tạp chí Du lịch TP.HCM thuộc Sở Du lịch TP.HCM.
Thành lập Tạp chí Giáo dục TP.HCM thuộc UBND TP.HCM trên cơ sở tổ chức lại Báo Giáo dục TP.HCM thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM.
Thành lập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn thuộc UBND TP.HCM trên cơ sở tổ chức lại Báo Doanh nhân Sài Gòn thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM.
Thành lập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn thuộc UBND TP.HCM trên cơ sở tổ chức lại Thời báo Kinh tế Sài Gòn thuộc Sở Công thương TP.HCM.
Theo ông Từ Lương, các điều khoản của quyết định thành lập đã quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy và cơ chế tài chính của từng cơ quan báo chí.
Do đó, ông đề nghị các cơ quan báo chí đảm bảo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và tuân thủ chặt chẽ các quy định tại các quyết định thành lập này.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao Quyết định thành lập cho Báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Sau phần công bố quyết định, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trao Quyết định thành lập cho đại diện năm cơ quan báo chí thuộc UBND TP.
Cũng tại buổi lễ, bà Ngô Thị Hoàng Các, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, đã công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM về bổ nhiệm lãnh đạo năm cơ quan báo chí thuộc UBND TP, gồm năm Tổng Biên tập và bốn Phó Tổng Biên tập.
Theo đó, ông Mai Ngọc Phước, nguyên Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM thuộc Sở Tư pháp TP.HCM, được bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM thuộc UBND TP.HCM.
Hai ông Nguyễn Đức Hiển và Nguyễn Văn Chương, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM thuộc Sở Tư pháp TP.HCM, cũng được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM thuộc UBND TP.HCM.
Thời gian giữ chức vụ của ông Nguyễn Đức Hiển là năm năm, còn ông Nguyễn Văn Chương là đến khi có quyết định nghỉ hưu.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trao quyết định bổ nhiệm Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM cho ông Nguyễn Đức Hiển. Ảnh: HOÀNG GIANG
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cũng công bố quyết định của UBND TP.HCM về điều động và bổ nhiệm bà Lương Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập tạp chí Khám phá thuộc Sở KH&CN TP.HCM, giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch TP.HCM thuộc UBND TP.HCM. Thời hạn giữ chức vụ cho đến khi có quyết định nghỉ hưu.
Ông Nguyễn Thanh Tú, nguyên Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM, giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM thuộc UBND TP.HCM. Thời gian giữ chức vụ là năm năm.
Ông Trần Hoàng, nguyên Tổng Biên tập phụ trách Báo Doanh nhân Sài Gòn thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn thuộc UBND TP.HCM. Thời gian giữ chức vụ là năm năm.
Lãnh đạo TP.HCM chụp ảnh lưu niệm với các cơ quan báo chí vừa được thành lập. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông Trần Minh Hùng, nguyên Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn thuộc Sở Công Thương TP.HCM, giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn thuộc UBND TP.HCM. Thời gian giữ chức vụ cho đến khi có quyết định nghỉ hưu.
Hai ông Phạm Hữu Chương và Phan Chiến Thắng, nguyên Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn thuộc Sở Công Thương TP.HCM, cũng được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn thuộc UBND TP.HCM. Thời gian giữ chức vụ là năm năm.
Phát biểu giao nhiệm vụ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết thời gian qua báo chí luôn đồng hành cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM, luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trong công tác tư tưởng. Lực lượng báo chí TP đã không ngừng lớn mạnh về dung lượng và chất lượng, trở thành kênh thông tin quan trọng của đất nước và TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông cũng đánh giá cao sự nỗ lực và phối hợp của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản và các sở ngành trong việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí.
Theo ông Phong, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi các cơ quan báo chí và nhà báo phải đổi mới, sáng tạo và thể hiện được vai trò của mình trong việc đưa tin, định hướng dư luận. Do vậy, ông đề nghị các cơ quan báo chí cần bám sát tôn chỉ mục đích, chủ động đổi mới và ngày càng chuyên nghiệp hơn để đáp ứng nhu cầu thông tin tuyên truyền trong tình hình mới.
Cùng đó, các cơ quan báo chí cần thông tin kịp thời, trung thực và toàn diện về đời sống chính trị trong nước và quốc tế và là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Phải nổ lực chuyển đổi số để tờ báo đứng vững hơn nữa.
Riêng đối với Báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng tờ báo có vị trí nhất định trên lĩnh vực thông tin. Do vậy, trước những khó khăn, Báo Pháp Luật TP.HCM cần hết sức nỗ lực để tranh thủ cơ hội phát triển.
“Trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, cần phải tính như thế nào để tờ báo đứng vững và phát triển trong thời gian tới. Chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết, đơn vị nào còn chần chừ, ứng dụng công nghệ chậm thì đồng nghĩa với mất độc giả” – ông Phong nói.
Cuối cùng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho hay sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí tiếp tục chuyển đổi số và tạo điều kiện để các nhà báo thực hiện tốt chức năng của mình.
Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước phát biểu nhận nhiệm vụ. Ảnh: HOÀNG GIANG
Thay mặt năm cơ quan báo chí, phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, cảm ơn các cơ quan chủ quản cũ và các sở ngành thời gian qua đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho năm tờ báo phát triển, trong đó có Sở Tư pháp TP.HCM.
Trong thời gian tới, ông hứa sẽ cố gắng đoàn kết, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác năm của các cơ quan báo chí.
Cùng đó, tăng cường hơn nữa việc thông tin các chủ trương chính sách của chính quyền TP để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa XI, xây dựng thành phố thông minh, Nghị quyết 54 của Quốc hội, góp phần xây dựng TP văn minh – hiện đại – nghĩa tình và là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Từ đó, độc giả sẽ ngày càng tin tưởng hơn vào các chủ trương, chính sách của TP.
Ông cũng mong tiếp tục được sự ủng hộ, giúp đỡ và tạo điều kiện của lãnh đạo UBND TP và các sở ban ngành trong hoạt động tác nghiệp của các cơ quan báo chí.
“Chúng tôi xin phép không xin tiền mà chỉ xin cơ chế chính sách để năm tờ báo càng phát triển hơn nữa, xứng đáng là cơ quan báo chí trực thuộc UBND TP” – ông Phước nói.
Đáp lại, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Hội Nhà báo TP.HCM giúp cho các tờ báo của UBND TP phát triển.
Báo Pháp Luật TP.HCM được thành lập từ năm 1990, trực thuộc Sở Tư pháp TP.HCM. Đầu năm 2021, báo chuyển cơ quan chủ quản về UBND TP.HCM. Trải qua 30 năm phát triển, Pháp Luật TP.HCM đã tạo nên một vị thế vững vàng trong lòng bạn đọc. Hiện Pháp Luật TP.HCM là một tờ báo đa phương tiện gồm báo in và báo điện tử plo.vn, phát triển mạnh trên nhiều nền tảng; phục vụ hàng triệu bạn đọc mỗi ngày. |