Mạnh tay trị tin xấu, độc trên mạng

Trong hơn 4 tiếng đối diện với các câu hỏi “hóc búa” từ đại biểu (ĐB), bộ trưởng nhiều lần nói vui và thành thực: “Nhiều vấn đề “to” nên không biết chọn gì để trả lời”.

Sau Luật An ninh mạng, quản lý hiệu quả hơn

Nhiều ĐB cho rằng trên mạng xã hội hiện có những trang “xấu, độc”, ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng. Thậm chí những trang “xấu, độc” có thể tạo ra các luồng dư luận, tác động tiêu cực đến xã hội.

“Đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp nào để khắc phục các bất cập nêu trên, không bị động chạy theo xử lý hậu quả?” - ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) cũng như nhiều ĐB khác nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng tin xấu, độc trên mạng xã hội là câu chuyện mang tính toàn cầu. Không chỉ Việt Nam, cả thế giới đang phải đối diện với tin sai, tin xấu. Bộ trưởng đề cập đến giải pháp mà Singapore mới áp dụng, đó là ban hành một luật về xử lý tin giả. “Tinh thần chung của luật này là xử lý nghiêm minh những người tung tin giả. Không chỉ phạt vài chục triệu, mà có thể phạt đến hàng triệu đôla tới phải đi tù. Đối với các mạng xã hội cũng xử phạt mạnh tay hơn, thậm chí theo quy định của một số quốc gia, người đứng đầu mạng xã hội nếu vi phạm cũng phải đi tù” - bộ trưởng cho hay.

Tuy vậy, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) lại cho rằng Việt Nam đã có Luật An ninh mạng nhưng sau khi luật được ban hành thì có dấu hiệu tin nhắn rác xuất hiện nhiều, không ít video clip, tin, bài phản cảm, nội dung đồi trụy, thiếu văn hóa… xuất hiện trên mạng.

“Nghiêm trọng hơn là thông tin cá cược, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không bảo đảm. Bộ trưởng cho biết giải pháp sắp tới xử lý như thế nào?” - ĐB Phương chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Kể từ khi có Luật An ninh mạng, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này đã nâng cao hiệu quả, hiệu lực. “Trước đây, với Facebook chúng ta yêu cầu 100 việc thì họ chỉ thực hiện 20-30, còn bây giờ là 70%; Google trước đây chúng ta yêu cầu 100 việc thì họ chấp hành 50, bây giờ là 85-90. Chẳng hạn, với yêu cầu gỡ các game xấu, độc thì tỉ lệ gỡ gần đây là 92%. Mới đây, Facebook cũng tuyên bố là không chấp nhận các tin quảng cáo về chính trị” - Bộ trưởng nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Xử lý web mạo danh lãnh đạo

ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) hỏi bộ trưởng có khuyến cáo gì cho người dân cách nhận biết thông tin sai lệch và giải pháp ngăn chặn hay không.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói giáo dục mới là biện pháp căn cơ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nâng cao khả năng cho người dân phân biệt trên không gian mạng tin xấu, tin tốt, khả năng phản biện, đấu tranh với các thông tin tiêu cực mới là giải pháp căn cơ. “Không gian mạng có một câu chuyện là nếu chúng ta đã đọc một tin xấu là vô hình trung nuôi cái tin xấu. Mỗi lần đọc tin xấu là có một view và người đưa tin được hưởng lợi. Tức là quảng cáo tăng lên và vô hình trung chúng ta là người phát tán những thông tin này” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thời gian qua Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan liên quan và có lực lượng để giải quyết vấn đề tin xấu, tin giả, trang web giả danh lãnh đạo… Trong hai tháng vừa qua, bộ đã làm rất mạnh tay, gỡ, hạ 207 website mạo danh, trong đó có 46 trang có tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Quy hoạch báo chí: Không thể chậm trễ

Nhiều ĐB quan tâm đến vấn đề quy hoạch báo chí. ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) đề cập đến tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, làm gia tăng một số lượng lớn phóng viên, cộng tác viên, gia tăng hiện tượng gây sách nhiễu đối với các cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đó là những hoạt động trái pháp luật. Luật Báo chí hiện nay quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích nhưng có một số tạp chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích. Bộ trưởng nói hiện có 868 cơ quan báo chí thì cần phải sắp xếp lại. “Trong năm 2019 này thực hiện quy hoạch và đầu tiên là tập trung quy hoạch lại cơ quan báo chí của các hội” - Bộ trưởng nói.

Cùng chủ đề, trả lời chất vấn của ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), bộ trưởng thừa nhận quy hoạch, sắp xếp lại báo chí có khó khăn “vì đấy là nghề nghiệp, công ăn việc làm, thứ hai là rất nhiều người yêu nghề”. Việc sắp xếp cũng có một số khó khăn như một số cơ quan xin “trễ một tí”.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là cương quyết vì đã chậm bốn năm rồi, không còn thời gian nữa. Đến ngày 31-12 không thực hiện thì đình bản, đợi quy hoạch xong hoạt động tiếp. Đây là tuyên bố rất mạnh mẽ” - Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm