Mưa lớn kéo dài, điều tiết nước tại hồ thủy điện A Lưới

Với lượng mưa lớn, kéo dài và có diễn biến phức tạp, vào chiều tối 6-10, Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết vừa có công văn gửi Công ty cổ phần thủy điện Miền Trung về việc điều tiết nước tại hồ Thủy điện A Lưới.

Cụ thể, sẽ điều tiết về hạ du huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng 100 - 1.000m3/s từ ngày 8 giờ ngày 9-10.

Thừa Thiên - Huế  ngập sâu trong trận lũ năm 2017. Ảnh: NGUYỄN DO

Theo tin từ Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh tại từ đêm nay 6-10 đến ngày 10-10 tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ  350 - 550mm, có nơi trên 700mm. Từ ngày 11-10 trở đi tình hình mưa lớn ở Thừa Thiên- Huế còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.

Chiều tối cùng ngày, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh này cũng có công điện khẩn gửi các đơn vị về phòng ứng phó với mưa lũ. Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương, theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó.

Các chủ công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ chứa đã được phê duyệt đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du; phối hợp thông tin, hỗ trợ các địa phương cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du khi vận hành điều tiết xả lũ.

Đối với các hồ thuỷ lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các chủ đập, chủ đầu tư, nhà thầu thi công triển khai phương án đảm bảo hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, hồ đang thi công và hồ chứa nhỏ.

Công ty TNHHNN một thành viên quản lý khai thác công trình thuỷ lợi phối hợp với các địa phương vận hành mở các công trình Thảo Long, Cửa Lác, các cống... để sẵn sàng thoát lũ nhanh.

Đồng thời, tiến hành cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối; có phương án bảo vệ, phòng tránh các thiệt hại có thể xảy ra cho khu nuôi thủy sản; tuyệt đối không để người dân ở trên các lồng, bè nuôi thuỷ sản khi mưa lũ.

Triển khai sơ tán dân khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, gò đồi, ven sông suối, ven biển; khu vực thấp trũng, ngập úng đô thị; đảm bảo an toàn cho các khu vực tái định cư. Trong đó chú ý kiểm tra các điều kiện đảm bảo trong trường hợp phải sơ tán dài ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm