Năm 2022: Phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy

Sáng 20-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Từ trái qua: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19

Thủ tướng cho hay thời gian qua, công tác phòng chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ với mục tiêu cao nhất đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở để nhân dân tiếp cận kịp thời. Với nhiều biện pháp, các cấp đã nỗ lực nhập, đưa gần 100 triệu liều vaccine về tiêm miễn phí cho người dân, góp phần giúp kiểm soát được dịch bệnh trên cả nước. Cùng với đó, chúng ta đã duy trì phù hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, an toàn dịch bệnh; hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động…

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh khó khăn đó, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, sự kiên cường của lực lượng chống dịch tuyến đầu, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân… đã góp phần kiểm soát được dịch bệnh. Và càng trong khó khăn, thử thách, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người.

“Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cám ơn những nỗ lực, hỗ trợ, đóng góp hiệu quả, những nghĩa cử cao đẹp, tận tâm, tận lực hết mình của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ quý báu của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng chống dịch” - Thủ tướng nói đồng thời chia sẻ với những tổn thất, mất mát mà nhân dân phải gánh chịu do đại dịch gây ra.

Thủ tướng cũng thẳng thắn đánh giá công tác phòng chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam do biến chủng Delta lây lan nhanh, hết sức nguy hiểm, khó lường. Trong khi đó, việc thực hiện các quy định về đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cục bộ cho nhân dân. Tiếp cận nguồn vaccine so với một số nước còn chậm, gặp nhiều khó khăn do khan hiếm trên toàn cầu.

 

6%-6,5%

là mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 mà Chính phủ đặt ra. Cùng với đó là tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.

Thử thách đối với nền kinh tế

Thủ tướng cho hay đại dịch đã tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội. Dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế quý III-2021 giảm 6,17%, tính chung chín tháng đầu năm 2021 GDP chỉ tăng 1,42%. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng...

Xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động. Thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng và ở mức khá cao, mặc dù thấp hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tỉ lệ nợ xấu có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh, số lượng người lao động tạm ngừng việc, thiếu, mất việc làm gia tăng. Đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị ảnh hưởng, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội kéo dài” - Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh khó khăn đó, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của kinh tế cơ bản được đảm bảo. Thu ngân sách cả năm khả năng vượt dự toán, ước tính đạt trên 1,3 triệu tỉ đồng, vượt khoảng 22.200 tỉ đồng, bội chi ngân sách dưới 4%.

Thủ tướng cho biết trên cơ sở đánh giá hiện trạng, truy tìm nguyên nhân, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ cho các tháng cuối năm, trong đó tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng chống dịch COVID-19.

Chính phủ khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế; có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc; sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.

Vừa kiểm soát dịch vừa phục hồi kinh tế

Về kế hoạch năm 2022, Thủ tướng cho hay sẽ tập trung để thực hiện hai mục tiêu vừa phòng ngừa, kiểm soát dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

 “Triển khai hiệu quả chiến lược tổng thể về phòng chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022” - Thủ tướng nói và đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về kinh tế - xã hội cho năm tới.

Theo đó, Chính phủ sẽ ưu tiên công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cùng với đó là thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số… Trong đó, tập trung phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động bị đứt gãy, tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia.

Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hóa, xã hội. Theo đó, sẽ tăng cường kết nối liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trong đó có đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ ; dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị...

Chính phủ cũng sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó là củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.•

 

Triển vọng phục hồi kinh tế được dự báo tương đối tích cực

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay triển vọng phục hồi kinh tế được dự báo tương đối tích cực, tuy nhiên đất nước sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chiến lược tiêm chủng vaccine gặp thách thức.

Liên quan đến các chỉ tiêu chủ yếu, ông Thanh cho hay trong bối cảnh nguồn thu bị ảnh hưởng, nhiệm vụ chi nhiều hơn cho phòng chống dịch, an sinh xã hội, việc tăng bội chi cao hơn mức 3,7% GDP là cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ cần nêu rõ cơ sở tính toán khoa học, khả năng huy động, tài trợ và hấp thụ vốn của nền kinh tế, đồng thời giải trình rõ, thuyết phục hơn về cơ chế kiểm soát bội chi ở những nội dung không trực tiếp liên quan đến phòng chống dịch bệnh để tạo sự đồng thuận cao.

Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị mục tiêu năm tới Chính phủ cần duy trì ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, cân bằng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện tiết kiệm, hiệu quả, giữ nghiêm kỷ luật tài chính; quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, thu hồi nợ thuế; tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi mua sắm, hội nghị, công tác trong và ngoài nước…

“Chính phủ cần xây dựng dự toán thu chi, mức bội chi ngân sách nhà nước trên cơ sở thận trọng hơn; tăng dự phòng ngân sách để chủ động nguồn nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Nghiên cứu, đề xuất phát hành trái phiếu chính phủ, tăng tỉ lệ nợ công phù hợp nhưng phải bảo đảm hiệu quả, bền vững, bội chi không quá 4% GDP” - ông Thanh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm