Nam kỳ khởi nghĩa: Bài học sức mạnh đại đoàn kết

Ngày 22-11, nhân kỷ niệm 80 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 – 23-11-2020) Học viện Chính trị quốc gia TP.HCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Khởi nghĩa Nam kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

 Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: THẢO KIM

Hội thảo đã nhận được 73 tham luận của nhiều lãnh đạo các cơ quan trung ương, TP.HCM và các tỉnh Nam bộ cùng chuyên gia các cơ quan nghiên cứu, trường đại học…
Ông Lê Văn Tân, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, nhìn nhận cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ có sự đoàn kết đông đảo của quần chúng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc.
Theo ông, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, cả Nam bộ sẵn sàng, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở 20/21 tỉnh. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra giữa ban ngày. Có quận hầu như tất cả các làng đều khởi nghĩa, làm cho chính quyền của thực dân nơi đó hoang mang, tan rã, thiệt hại nặng nề.
“Khởi nghĩa Nam kỳ thể hiện mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân vô cùng sâu sắc... Khi Đảng ra lời kêu gọi thì nhân dân yêu nước xông lên trận mạc, biểu thị sức mạnh to lớn, quyết chí chiến đấu dù phải đổ máu hy sinh. Ngay cả khi cuộc khởi nghĩa bị dìm trong máu lửa thì nhân dân vẫn một lòng bảo vệ Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng chờ lệnh…” - ông Tân nhấn mạnh.

Ông khẳng định Khởi nghĩa Nam kỳ đã để lại bài học về phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng được giữ gìn, phát huy đến tận ngày nay. 

PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản, cũng khẳng định Đảng bộ Nam kỳ đã huy động được lực lượng đông đảo chưa từng thấy, phong phú về thành phần. Trong đó có cả những thành phần yêu nước mà trước đó chưa khi nào Đảng tập hợp được. Theo ông Hà, có tài liệu nói rằng đã huy động được lực lượng khoảng 15.000 người. Đặc biệt, trong tất cả cuộc nổi dậy ở các cấp, vai trò của người phụ nữ được thể hiện rất rõ. Có người giữ vai trò lãnh đạo như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Thập, Ngô Thị Huệ.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhìn nhận các bài tham luận đã khẳng định truyền thống bất khuất, kiên cường của nhân dân Nam kỳ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
“Tinh thần của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ là tinh thần quật khởi của dân tộc, “vì nước, vì dân”, tinh thần cách mạng tiến công không ngừng, quyết tâm đi đến mục tiêu cuối cùng đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc” - ông nhấn mạnh.
“Những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Nam bộ giành được đã góp phần củng cố và bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, cổ vũ các phong trào yêu nước, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ” - ông nói.

Cơ đồ càng tăng, giá trị càng sâu sắc
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940 là một trong những sự kiện quan trọng, để lại dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam thành đồng Tổ quốc.

Nam kỳ khởi nghĩa: Bài học sức mạnh đại đoàn kết ảnh 2

Đó là một trong những cơ sở thực tiễn để Đảng ta đưa ra những quyết sách đúng đắn, dẫn dắt nhân dân đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, góp phần cho đại thắng mùa xuân 30-4-1975.

“Tuy chưa thành công nhưng tinh thần đấu tranh oanh liệt, kiên cường, bất khuất, dám chấp nhận hy sinh của những người cộng sản và nhân dân Nam bộ vẫn mãi trường tồn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam” - Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Bí thư Thành ủy nhìn nhận: Đất nước ngày càng phát triển; cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín ngày càng tăng lên thì giá trị của sự hy sinh cao cả của cả dân tộc càng được khẳng định sâu sắc hơn, toàn diện hơn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy