Phường đông dân ở TP.HCM: Trăm việc đổ đầu cán bộ

LTS: Ở TP.HCM có nhiều phường dân số đông hơn cả một huyện các tỉnh khác. Trực tiếp chứng kiến khối lượng công việc phải gồng gánh mỗi ngày ở UBND phường, chúng tôi nhận thấy áp lực rất lớn đối với cán bộ. Và điều này càng lớn khi dân số ngày càng tăng lên, còn lượng cán bộ ngày càng thu hẹp lại.

Có mặt tại UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, phường đông dân nhất TP.HCM với hơn 123.000 dân, vào 10 giờ sáng một ngày cuối tháng 8, chúng tôi không khỏi choáng ngợp khi người dân đến làm hồ sơ nườm nượp ra vào.

Bù đầu với hàng chục đầu việc

Bên trong số ghế đã chật kín, người dân tranh thủ ngồi ở dãy ghế bên ngoài để điền hồ sơ, người đứng loay hoay, người vội vã đi từ cổng vào…

Anh Trương Công Dũng, công chức tư pháp - hộ tịch của phường, cho biết: “Các phường ít dân hơn thì đến hơn 10 giờ là có thể hết khách rồi. Còn ở đây, mỗi buổi sáng chúng tôi tiếp hàng trăm người. Cán bộ, công chức phường làm việc với cường độ liên tục, áp lực cao…”.

Chỉ tính riêng lĩnh vực khai sinh, mỗi năm phường Bình Hưng Hòa A làm thủ tục cho hơn 1.000 em bé, dày kín 6-7 quyển khai sinh (mỗi quyển 200 em). Trong khi đó, có phường khác mỗi năm chỉ 1-2 quyển.

Tính sơ về số đầu việc của cán bộ mảng tư pháp - hộ tịch, anh Dũng cho biết có khoảng 20 đầu việc: Từ khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, nhận con, sao y bản chính, chứng thực chữ ký đến phối hợp thi hành án, hòa giải, giải quyết đơn thư, tiếp công dân, chuẩn tiếp cận pháp luật… Tuy nhiên, liệt kê một hồi thì anh Dũng nhíu mày: “Thú thật, có rất nhiều việc khi phát sinh mới nhớ chứ không tài nào nhớ ra lúc này. Công việc phát sinh đòi hỏi cán bộ, công chức phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các văn bản, quy định pháp luật có liên quan ở các lĩnh vực như môi trường, đất đai, xây dựng… để có thể tham mưu, giải quyết hợp tình, hợp lý, đúng quy định pháp luật…”.

Anh Dũng chia sẻ công việc nhiều như vậy nên áp lực cũng rất nhiều, giờ giấc, công nghệ thông tin cũng phải được đầu tư thêm. Đặc biệt, khác với các phường chuẩn, ngoài hai cán bộ chuyên môn phụ trách tư pháp - hộ tịch thì có thêm hai cán bộ không chuyên trách chuyên ngồi ở bộ phận một cửa để tiếp nhận hồ sơ.

Theo đó, hai cán bộ này chỉ chuyên tiếp nhận, đọc hồ sơ, hướng dẫn và giải thích cho dân. Sau khi hồ sơ đầy đủ thì chuyển vào cho hai cán bộ chuyên môn để “tác nghiệp” chính. Chứ nếu một người làm hết thì không xuể, vì không thể vừa nhận, hướng dẫn rồi làm hồ sơ, trình ký… Cứ thế, người nào việc nấy, hình thành nên dây chuyền chuyên nghiệp mới đủ sức gồng gánh công việc gấp 6-7 lần phường chuẩn.

Tiếp lời, anh Dũng nói thêm: “Tính riêng lĩnh vực này đã đạt khoảng 200 hồ sơ mỗi ngày. Cao điểm nhập học, xin việc làm thì lên đến 500-600 hồ sơ, cả phường không còn ghế ngồi. Chỉ riêng khâu kiểm tra thông tin sao y, chứng thực cũng muốn mờ mắt luôn...”.

đó là còn chưa kể đến việc hòa giải các đơn thư, tranh chấp, phát sinh trong dân. “Dân nhiều thì mâu thuẫn nhiều, phức tạp hơn, đa dạng hơn. Nhiều vụ rối rắm giải quyết mãi không xong, phải đi ngoài giờ, tới lui nhiều lần. do mình làm riết thì quen tay nên cũng không thấy cực gì mấy” - anh Dũng nói.

Tại UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân  (TP.HCM), công chức tư pháp - hộ tịch luôn dồn dập với khối lượng công việc rất lớn. Ảnh: LÊ THOA

Ngày đi cơ sở, đêm làm báo cáo

Tại UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, địa bàn có dân số cũng thuộc hàng tốp ở các phường của TP.HCM hiện nay (110.000 nhân khẩu), cán bộ cũng đang quá tải không kém.

Chúng tôi gặp anh Hoàng Thanh Bình, cán bộ kinh tế của phường này, sau một ngày xuống dân làm bao nhiêu là việc gồm: Gửi thông báo kiểm tra sau đăng ký kinh doanh, ghi chép thông tin lao động, xử lý điểm ô nhiễm môi trường, xác minh địa điểm kinh doanh… Anh Bình thở phào bảo: “Đi cơ sở cả ngày, bây giờ mới có thời gian làm các thể loại báo cáo nè”.

Theo anh Bình, trung bình mỗi ngày anh phải làm 10 đầu việc, chưa kể các công việc đột xuất. Do vậy đa số thời gian trong ngày anh đều xuống dân, chỉ có cuối ngày mới về cơ quan viết báo cáo, làm văn bản.

Ngoài ra, dù là cán bộ kinh tế nhưng bất kỳ tình huống nào phường cần huy động cán bộ hỗ trợ thì anh Bình cũng là thành viên thường xuyên được chọn, như đi cưỡng chế, phát phiếu lao động... “thường thì mỗi ngày, phải tới 8-9 giờ tối tôi mới về, có khi mệt quá thì… về thôi. Còn những đợt điều tra dân số thì gần như ăn dầm nằm dề ở phường” - anh Bình cười.

Chưa kể là trước đây tổ kinh tế của anh Bình có sáu cán bộ mà không làm xuể việc, giờ chỉ còn ba. “Nếu chúng tôi không biết cách kế hoạch công việc thì thực sự… quá tải” - anh Bình nhìn nhận.

Còn chị Trần Thị Mỹ Dung, cán bộ địa chính - xây dựng của phường Hiệp Bình Chánh, rời nhà mỗi ngày lúc bảy giờ sáng. Cho đến khi chị đứng dậy, rời phòng làm việc để đi về nhà thì đồng hồ cũng điểm tám giờ tối.

Chị dung nói: “Ban ngày thì phải tranh thủ đi cưỡng chế nếu có lịch, rồi đi xác minh những công trình xây dựng để lên lịch cưỡng chế, có khi phải giải quyết các sự vụ đột xuất xảy ra. Đến cuối giờ chiều về đến phường thì phải tranh thủ giải quyết mấy thủ tục như cấp giấy chứng nhận, trả lời văn bản, các thủ tục cho người dân; có khi còn phải giải quyết cả những tranh chấp, khiếu nại của dân nữa…”.

Thống kê xong rồi chị lại cười nói: “Nhiều khi áp lực công việc ghê lắm. Phải nói là “quá quá tải” chứ không phải chỉ “quá tải” thôi đâu. Nhưng vẫn phải làm hết sức mình cho dân thôi!”.

Bởi phận là phụ nữ, lại phụ trách mảng gai góc của chính quyền cơ sở nên chị Dung phải dẹp cái yếu ớt đời thường của mình để làm việc như… một người đàn ông. Hằng ngày chị Dung cũng dường như phải đi thực tế cả ngày ngoài đường. Đến khi kết thúc công việc thì trời cũng đã tối muộn.

Khi chúng tôi hỏi rằng chị làm thế nào để cân bằng giữa công việc và gia đình, chị Dung tâm sự: “May là chồng tôi biết chia sẻ, hiểu được công việc của vợ nhiều và áp lực nên lo hết ở nhà cho tôi an tâm. Chuyện con cái, cơm nước, đưa đón con đi học đều do một tay anh chăm lo hết. Vậy nên dù trễ đến mấy tôi vẫn cố gắng giải quyết hết công việc trong ngày ở cơ quan, khi về nhà thì chỉ dành toàn bộ thời gian ít ỏi còn lại cho gia đình”.

Chưa hợp lý cho TP.HCM

Phường đông dân ở TP.HCM: Trăm việc đổ đầu cán bộ ảnh 2
Ông TRẦN LƯU QUANG, Phó Bí thư thường trực Thành ủy 

Trong mặt bằng chung, có nhiều quy định chưa hợp lý với TP.HCM. Chẳng hạn như ở xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đều có trên 120.000 người, gấp 3-4 lần so với một huyện ở biên giới phía bắc.

Nhưng bộ máy là cấp phường, lương cấp phường, biên chế cấp phường... áp dụng cho TP.HCM là không hợp lý. Cho nên TP.HCM tiếp tục kiến nghị với trung ương về sự bất cập này.

Ông TRẦN LƯU QUANG, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, nói tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 4
ngày 21-6-2019

Cần cơ chế cho những xã, phường đặc biệt

Phường đông dân ở TP.HCM: Trăm việc đổ đầu cán bộ ảnh 3
Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO

Hiện nay, đối với những xã có một phó chủ tịch UBND là rất khó khăn. Trong trường hợp không tăng thêm phó chủ tịch UBND xã thì nên bổ sung thêm một ủy viên thư ký UBND xã để thực hiện nhiệm vụ ký bản sao, giải quyết các vấn đề cho nhân dân.

TP.HCM có những phường, xã đến 100.000 dân như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, phường Bình Hưng Hòa... cần phải xem là phường, xã đặc biệt để có cơ cấu số lượng phó chủ tịch HĐND và UBND tương ứng. Từ đó cán bộ, công chức, viên chức xử lý công việc được tốt hơn. Đồng thời cần có những chính sách đặc biệt tương ứng với các phường, xã trên.

Bà  PHẠM PHƯƠNG THẢOcựu chủ tịch HĐND TP.HCM, nêu ý kiến tại một hội thảo do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 13-5-2019

Kiến nghị giao biên chế theo quy mô dân số

Trước đó, tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết 39 và một năm thực hiện Thông báo 30 và Kết luận 17 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày 19-4-2019, Thành ủy TP.HCM đã kiến nghị trung ương hai vấn đề.

Thứ nhất, TP.HCM là đô thị với tính chất đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội, có vị trí, vai trò, đặc điểm của đô thị đặc biệt cùng với khối lượng công việc giải quyết hằng ngày rất lớn và có xu hướng gia tăng, mức độ phức tạp của công việc càng cao. Do đó, TP kiến nghị trung ương nghiên cứu, giao biên chế theo quy mô dân số và tính chất đa dạng, phức tạp của TP.HCM.

Thứ hai, kiến nghị Ban Bí thư nghiên cứu, điều chỉnh khung biên chế giao cho các quận, huyện phù hợp với đặc thù và tình hình phát triển của TP.HCM. 

Kế toán phường cũng làm việc tới 9 giờ tối

Ở phường Bình Hưng Hòa A - phường đông dân nhất TP, cán bộ chuyên môn tiếp dân đã một núi việc thì đến kế toán của phường này không thể ít việc hơn được. Chị Huỳnh Thị Thúy Hồng, công chức tài chính - kế toán phường, thường xuyên vào ủy ban làm thêm ngày thứ Bảy, Chủ nhật, nhiều tối làm đến chín giờ đêm là bình thường.

“Nhiều người nghĩ làm kế toán thì không đụng chạm chính đến công tác phục vụ nhân dân. Nhưng vì là phường đông dân nên thu chi mỗi năm đạt đến hàng chục tỉ đồng. Cuối năm quyết toán rất vất vả. Mỗi đợt trao tiền trợ cấp cho người già là phải trao đến 1.000 người, gấp hai, ba lần phường khác. Hay nhận tiền quỹ từ 27 khu phố, số lượng khu phố nhiều như vậy cũng đủ khiến căng thẳng, áp lực…” - chị Hồng trải lòng.

Phường đông dân ở TP.HCM: Trăm việc đổ đầu cán bộ ảnh 4
Chị Hà Thị Thủy, cán bộ tư pháp - hộ tịch UBND phường Phước Long B, quận 9 ( tp.hcm), phải liên tục đứng để làm việc với dân vì số lượng người đến giao dịch rất đông. Ảnh: THANH TUYỀN

Không có thời gian ăn trưa, ngồi nghỉ

Tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, dân số cũng xấp xỉ phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) với hơn 120.000 nhân khẩu, tuy chỉ là cán bộ không chuyên trách phụ trách lĩnh vực tư pháp - hộ tịch nhưng số công việc chị Nguyễn Thị Bào rất nhiều (một phần do việc của hai cán bộ khác cùng bộ phận đã nghỉ).

“Xã có tới 120.000 nhân khẩu, dồn số lượng công việc của hai người đã nghỉ thì thực sự là không biết làm sao cho kịp việc chứ đừng nói mong hết việc. Có khi không có thời gian ăn trưa vì chưa xong việc lại tới giờ làm buổi chiều” - chị Bào nói.

Chị Bào còn nói thêm, nhà của chị nằm cách trụ sở UBND xã không xa nhưng không có buổi trưa nào chị tranh thủ về nhà dùng bữa được cũng vì núi công việc phải giải quyết chưa xong. Chị luôn tranh thủ ăn ngay tại bàn làm việc để không mất thời gian di chuyển.

Đứng luôn để tiếp nhận, xử lý cho nhanh

Còn trường hợp của chị Hà Thị Thủy, cán bộ tư pháp - hộ tịch của phường Phước Long B, quận 9, là hầu như phải đứng liên tục trong nhiều giờ liền để tiếp và trả lời thắc mắc của người dân. Hiếm hoi lắm chị mới được ngồi nghỉ ở chiếc ghế ngay sau lưng.

Chị Thủy nói không có quy định bắt buộc khi tiếp dân phải đứng nhưng vì chị thấy có nhiều lúc ngồi xuống không tiện để làm việc với dân. Tự bản thân chị thấy cần đứng lên một chút để dân đỡ cúi xuống, điều này cũng giúp chị giải thích, hướng dẫn cho bà con rõ ràng hơn, hiệu quả công việc cũng tăng cao. “Một phần cũng vì dân tới tấp nập quá nên vừa xong người này, chưa kịp ngồi nghỉ thì người khác đến, cứ vậy rồi đứng hoài thôi” - chị Thủy cười nói.

Rồi chị kể: “Ở phường có đông dân cư, nhiều đối tượng khác nhau đến sinh sống nên nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cũng rất lớn và đa dạng. Mỗi ngày tôi gặp nhiều thắc mắc từ người dân, nếu giải thích không nhiệt tình thì rất dễ khiến dân phiền hà, hồ sơ kéo dài lại không hay…”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm