Chiều 20-5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong tám công ước cơ bản của ILO và được ILO thông qua ngày 25-6-1957.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thuyết minh trước Quốc hội về việc tham gia Công ước số 105. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch nước cho biết trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế - quốc tế một cách sâu rộng, cùng với việc nước ta đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chuẩn bị tiến tới phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), việc gia nhập Công ước số 105 nói riêng và các công ước cơ bản còn lại của ILO nói chung là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Cạnh đó, việc gia nhập và thực hiện công ước sẽ góp phần ngăn chặn các nguy cơ cưỡng bức lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, giúp cho môi trường lao động ổn định, hài hòa.
“Qua đó tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động, giúp hàng hóa của Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế. Từ đó giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo đảm công bằng xã hội tốt hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa…” - Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Thuyết minh việc gia nhập Công ước số 105, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, khẳng định việc gia nhập và thực hiện Công ước số 105 của ILO góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh quốc gia lành mạnh, công bằng.
Đặc biệt, góp phần giúp cho hàng hóa của các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tránh được các rủi ro bị tẩy chay bởi quốc gia nhập khẩu hàng hóa đó.
“Việc không sử dụng lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất ra các loại hàng hóa, dịch vụ được coi là một thành phần của “giấy thông hành”, giúp hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu, nhất là thị trường EU và Hoa Kỳ…” - ông Đào Ngọc Dung khẳng định.
Thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết việc nước ta gia nhập và thi hành Công ước số 105 sẽ không làm tăng chi phí xã hội, chi phí triển khai thực hiện và không làm thay đổi nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc gia nhập Công ước số 105 sẽ gặp phải một số thách thức nhất định như năng lực của người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức có liên quan để phòng, chống và xóa bỏ lao động cưỡng bức còn hạn chế. Cạnh đó, cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực lao động liên quan theo quy định của Công ước số 105 còn đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng cho biết có ý kiến cho rằng để việc thực hiện các cam kết của Công ước số 105 có hiệu quả và có tính khả thi cao, Chính phủ cần ban hành quy định hướng dẫn chi tiết các dạng hành vi của lao động cưỡng bức, tạo hành lang pháp lý minh bạch, giúp cơ quan thực thi pháp luật hoặc người lao động hay doanh nghiệp phát hiện nhanh chóng tình trạng lao động cưỡng bức...
Hai điều quan trọng của Công ước số 105 Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức có 10 điều, đáng chú ý là điều 1 và điều 2. Điều 1 công ước quy định: Mọi quốc gia thành viên của ILO gia nhập công ước này cam kết bãi bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó: a) Như là một biện pháp cưỡng chế hay giáo dục chính trị, hoặc như một sự trừng phạt đối với những ai đang có hoặc đang phát biểu chính kiến, hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội, hoặc kinh tế đã được thiết lập. b) Như là một biện pháp huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế. c) Như là một biện pháp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động. d) Như một sự trừng phạt đối với việc đã tham gia đình công. e) Như một biện pháp phân biệt đối xử về chủng tộc, xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo. Điều 2 công ước quy định: Mọi nước thành viên của ILO đã gia nhập công ước này cam kết sử dụng các biện pháp có hiệu quả nhằm xóa bỏ ngay và toàn bộ lao động cưỡng bức bắt buộc, như đã quy định tại điều 1 công ước này. |