Thành ủy TP.HCM: 2 tuần tới có ý nghĩa quyết định kết quả chống dịch COVID-19

Thành ủy TP.HCM vừa ra chỉ thị khẩn số 12 về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM. Chỉ thị do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên ký.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên ký chỉ thị khẩn số 12, với nhận định thời gian cao điểm hai tuần tới có ý nghĩa quyết định đối với kết quả phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: TTBC

Trong đó, nhiều biện pháp mạnh được đưa ra như trong các khu phong tỏa, thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh. Thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 như tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách; siết chặt hoạt động của doanh nghiệp

Theo Thành ủy TP.HCM, thời gian cao điểm hai tuần tới có ý nghĩa quyết định đối với kết quả phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM. Vì vậy, các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên, người đứng đầu các cấp cần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, vượt qua thách thức, hành động quyết liệt, phấn đấu hoàn thành tốt nhất kế hoạch đề ra.

Để thực hiện các biện pháp tăng cường, Chỉ thị yêu cầu các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm chắc, sát và kịp thời tình hình; bám sát và cùng cơ sở để chỉ đạo thực hiện. Từ đó, chủ động giải quyết và kiến nghị giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trên địa bàn.

Đối với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM cần khẩn trương cụ thể hóa thành quyết định bảo đảm tính pháp lý cao nhất, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt hiệu quả các giải pháp tăng cường Chỉ thị 16. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là ngành y tế phối hợp kịp thời các địa phương xây dựng các kịch bản chi tiết, giải pháp cụ thể phòng, chống dịch như: phòng ngừa, xét nghiệm, cách ly, điều trị... phù hợp với diễn biến mới của dịch; tập trung đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận, mua và tiêm vaccine.

Đối với Ban cán sự đảng UBND TP.HCM cần lãnh đạo UBND TP trực tiếp phối hợp với các bộ ngành, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tranh thủ tối đa sự chi viện nguồn nhân lực, bảo đảm các nhu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh phục vụ phòng chống dịch.

Cùng với đó, tập trung nâng cao năng lực, kịp thời xử lý, tiếp nhận, chăm sóc và điều trị các ca F0, nhất là các ca nặng. Khẩn trương ban hành các quy định, hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu, dễ làm để vận hành tại khu cách ly F0, F1, khu phong tỏa và việc chuẩn bị các khu cách ly F0 tại địa phương.

Tiếp tục chỉ đạo phối hợp tổ chức tốt việc cung ứng vận chuyển, tiếp nhận, lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất thông suốt, thuận lợi, tuyệt đối không gây ách tắc, ảnh hưởng đến các hoạt động phòng chống dịch…

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại một số chợ trên địa bàn, hôm 18-7. Ảnh: TÚ UYÊN 

Đối với Đảng ủy Công an TP.HCM chỉ đạo Công an TP.HCM phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống cháy nổ tại các bệnh viện dã chiến, điều trị, khu phong tỏa, khu cách ly; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng chống dịch hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh để xuyên tạc, kích động, chống phá.

Đối với Đảng ủy Quân sự TP.HCM cần phát huy vai trò chủ trì, phối hợp điều hành hoạt động các trung tâm cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh COVID-19 bảo đảm chặt chẽ, an toàn, hiệu quả, không để lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong lực lượng phục vụ tại các khu cách ly, phối hợp các lực lượng xịt phun hóa chất các khu phong tỏa.

Đồng thời, tổ chức đoàn xe tham gia vận tải hàng hóa phục vụ nhân dân TP. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra.

Đối với Ban Tuyên giáo Thành ủy cần phối hợp với các cơ quan liên quan để định hướng hiệu quả công tác tuyên truyền, tăng cường và chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan truyền thông, định hướng dư luận xã hội.

Đối với Ban Dân vận Thành ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở cần tiếp tục vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.

Đối với Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức, các quận ủy, huyện ủy cần xây dựng kế hoạch chi tiết, huy động tất cả mọi nguồn lực xã hội, phân công đúng người, rõ việc, rõ trách nhiệm và tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp tăng cường Chỉ thị 16.

Các địa phương này cần vận động nhân dân tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm giãn cách trên toàn thành phố, nhất là trong khu phong tỏa, khu cách ly tập trung, các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân cư cao.

Cùng đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực, những tổ chức, cá nhân điển hình, năng động, sáng tạo, vượt khó, dũng cảm... để động viên, khen thưởng. Đồng thời uốn nắn, chấn chỉnh những thiếu sót; kiên quyết xử lý những vi phạm do chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng chống dịch…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm