Thủ tướng chủ trì hội nghị với 23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội

Sáng 15-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ trụ sở Chính phủ đến các điểm cầu tại trụ sở UBND 23 tỉnh, thành, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP

Báo cáo kết quả thực hiện giãn cách xã hội do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ký cho thấy đợt dịch thứ 4 ở nước ta từ ngày 27-4-2021. Đến nay, cả nước đã ghi nhận 252.896 ca (chiếm 99% số ca mắc từ khi có dịch tại nước ta) khiên 5.053 ca tử vong. Đến nay có 4/62 tỉnh đã 23 qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 8 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát và một tỉnh chưa ghi nhận ca mắc là Cao Bằng.

Đánh giá về nguyên nhân khách quan khiến dịch bệnh vẫn lây lan rộng và kéo dài, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng biến thể vi rút Delta lây lan rất nhanh và mạnh do virus phát tán trong không khí, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn các chủng vi rút trước làm gia tăng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt trong các khu vực không gian kín, ít lưu thông như phòng họp, nhà máy, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người.

Cạnh đó, đợt dịch xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố lớn có mật độ dân cư cao, là đầu mối giao thống huyết mạch của cả nước, nhiều khu công nghiệp trọng điểm, di biến động dân cư giữa các địa phương lớn; dịch lây lan mạnh tại các khu vực dân cư có mức sống và điều kiện sinh hoạt, ăn ở rất hạn chế.

Về nguyên nhân chủ quan, ông Long cho rằng việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg tại một số địa phương còn chưa nghiêm, chưa thực sự đảm bảo nguyên tắc cách ly giữa người với người, giai đình với gia đình, “ai ở đâu, ở yên đó”. Đặc biệt, thời gian đầu triển khai còn lúng túng, chưa đồng bộ.

“Công tác tổ chức thực hiện các chỉ đạo, điều hành, quy định về phòng, chống dịch tại một số nơi còn chưa nghiêm, lúng túng và không nhất quán; còn có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác”- ông Long cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Y tế, công tác đảm bảo hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” ở các địa phương chưa được chuẩn bị trước dẫn đến thiếu vật tư, trang thiết bị cần thiết phục vụ phòng, chống dịch, nhất là về nhân lực y tế, thiết bị xét nghiệm, điều trị.

Công tác tổ chức, chỉ huy và điều phối triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại một số địa phương bộc lộ hạn chế, đặc biệt trong công tác điều phối tại cơ sở, các hoạt động thu dung, chuyển tuyến, điều trị người bệnh; công tác đảm bảo hậu cần, an sinh xã hội và vấn đề giao thông, vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh, ông Long cho rằng hơn 26 ngày triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số địa phương trên cả nước cho thấy tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát tại một số địa phương, khu vực. 

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP.HCM và một số địa phương lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai. 

Một số địa phương thuộc khu vực miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên) dịch chưa được kiểm soát triệt để, vẫn còn khả năng bùng phát và nguy cơ xuất hiện các ổ dịch lớn, do dịch đã lây lan rộng ra cộng đồng, trong các nhà máy, xí nghiệp và khu vực đông dân cư.

“Mặc dù đã triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, tuy nhiên số mắc vẫn gia tăng rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn cho thấy dịch đã lây lan rộng trong cộng đồng, trải qua nhiều vòng lây nhiễm trong một thời gian dài”- ông Long cho biết. 

Cạnh đó, việc triển khai giãn cách xã hội chưa dứt khoát, triệt để, chưa đáp ứng được các yêu cầu. Một số nơi, một số thời điểm chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch do đó khó khăn trong công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để.

Bộ trưởng Y tế đề nghị thời gian tới, TP.HCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất, đảm bảo hiệu quả việc thực hiện giãn cách xã hội.

Đáng chú ý, cần thực hiện bóc tách F0 khỏi cộng đồng, cách ly, khoanh vùng triệt để, từng bước giảm số mắc mới đồng thời nâng cao công tác thu dung, điều trị để giảm tử vong.

Riêng trong đợt dịch thứ 4 đến nay, Bộ Y tế đã điều động hơn 11.400 cán bộ y tế tham gia chống dịch tại TP.HCM và các địa phương khu vực phía Nam. Trong đó có hơn 1.050 bác sĩ, hơn 2.140 điều dưỡng và hơn 6.000 giảng viên, sinh viên từ các trường y. 

Các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử hơn 1.730 nhân viên y tế, với 438 bác sĩ và hơn 1.240 cán bộ y tế, tình nguyện viên. 

Đồng thời thành lập Kho dã chiến tại TP.HCM quản lý, cấp phát hàng nghìn máy thở, hàng triệu test xét nghiệm, hàng trăm nghìn khẩu trang, bộ phòng hộ cá nhân.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm