'Thời tiết diễn biến bất thường, các địa phương không chủ quan trong phòng, chống cháy rừng'

(PLO)- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương rà soát các kịch bản phòng, chống cháy rừng cho sát thực tiễn, không chủ quan khi thời tiết dự báo tiếp tục có diễn biến bất thường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 5-5, tại Trụ sở UBND tỉnh Kon Tum, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024.

Hơn một năm, cháy rừng làm 18 người chết và bị thương

Báo cáo tại hội nghị, Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2023 và bốn tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 399 vụ cháy rừng, làm ảnh hưởng đến hơn 985 ha, làm 12 người tử vong và 6 người bị thương.

cháy rừng.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị về công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024. Ảnh: VGP

Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân chính của các vụ cháy rừng là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do sự bất cẩn của người dân khi đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng.

Đáng lưu ý, các địa phương phản ánh có tình trạng bỏ việc, chuyển việc trong lực lượng quản lý bảo vệ rừng do thu nhập còn thấp. Trước tình trạng trên, các địa phương kiến nghị Trung ương quan tâm, tăng mức hỗ trợ đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng để lực lượng này yên tâm công tác.

Đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thiện xây dựng dự thảo các nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 156 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 01/2019 về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; dự thảo Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; sớm ban hành hướng dẫn thực hiện điều 248 của Luật Đất đai 2024.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ rừng

Trước các ý kiến đề xuất tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương lấy ý kiến góp ý của các địa phương trên cả nước đối với các dự thảo nghị định nêu trên; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành.

CHÁY RỪNG..jpg
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khảo sát và làm việc với Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum về công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy rừng. Trong ảnh, Phó Thủ tướng thăm hỏi, trò chuyện với người dân được khoán bảo vệ rừng - Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ NN&PTNT tổng hợp nhu cầu hỗ trợ cấp bách kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024 của các địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng yêu cầu bảo đảm việc cung cấp thông tin dự báo thời tiết kịp thời, chính xác cho các địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống cháy rừng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng là trách nhiệm của các địa phương. Do vậy tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nhất là trong bối cảnh dự báo tình hình thời tiết tiếp tục có diễn biến bất thường. Phó Thủ tướng yêu cầu đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ các địa phương phải rà soát các phương án, kịch bản phòng, chống cháy rừng, thực hiện điều chỉnh cho sát với thực tiễn, quan tâm hơn nữa cho lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương kiểm soát tốt tình trạng di dân tự do để phòng ngừa việc xâm phạm đất rừng do không có đất ở, đất sản xuất.

Đối với vấn đề biên chế, Phó Thủ tướng nêu rõ, chủ trương chung của Trung ương là tinh giản biên chế, vì thế trong tổng biên chế được giao, các địa phương phải linh hoạt trong bố trí biên chế cho lực lượng quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Cùng với đó, các địa phương phải tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là việc huy động các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, các tổ chức, cá nhân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống cháy rừng.

Bộ NN&PTNT cũng cho hay năm 2023 cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng. Diện tích rừng bị tác động hơn 1.000 ha. Trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động là 182,2 ha, giảm so với năm 2023.

Các vụ phá rừng chủ yếu xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, như Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm