TRIỂN LÃM ĐIÊU KHẮC TRÊN CÁT

Thông điệp bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo

Chiều 12-6, trong khuôn khổ Festival biển 2011, tại bãi biển phía trước Quảng trường 2-4 TP Nha Trang, Công ty Cổ phần Truyền thông GTO đã khai mạc triển lãm điêu khắc trên cát Vì một hành tinh xanh. 15 tác phẩm điêu khắc cát của các nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã đem đến một triển lãm sinh động mang đầy khát vọng xanh.

Bất ngờ và thích thú, đó là cảm giác chung của mọi người khi đến với triển lãm điêu khắc cát. Cát! Thứ vật chất khô khan, rời rạc được “nhào nặn” qua ý tưởng, bàn tay của các nghệ sĩ đã trở nên quyến rũ hơn và mang những thông điệp đầy ý nghĩa nhân văn về việc bảo vệ môi trường, giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tác phẩm Chiếc nôi của nhà điêu khắc Phạm Thu Nga (TP.HCM) với hình ảnh đôi tay đang ôm ấp, nâng niu tổ yến như sự xác tín về việc bảo vệ sự sống. Tác phẩm Cứu tôi của nhóm tác giả Trường ĐH Sài Gòn khắc họa hình ảnh con rùa đang chở những sinh vật biển vào bờ khẩn cầu con người hãy thôi có những hành động phá hoại môi trường, thay vào đó là sự bảo vệ đại dương. Hay như tác phẩm Hủy hoại môi trường của nhà điêu khắc Lê Vấn (Dăk Lăk) thể hiện con khủng long đang giãy chết với những chai lọ bao quanh, ngầm ngụ ý mạnh như khủng long cũng không thể sống sót nếu môi trường bị tàn phá.

Thông điệp bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo ảnh 1

Các nhân công đang giúp nhà điêu khắc Phạm Thu Nga hoàn thành tác phẩm Ra biển. Ảnh: TN

Đặc biệt, công chúng xem triển lãm rất thích thú với những tác phẩm mang thông điệp kép về môi trường và chủ quyền biển đảo. Đó là tác phẩmRa biển (nhà điêu khắc Phạm Thu Nga) thể hiện hình ảnh con tàu vượt sóng ra Trường Sa với lá cờ Tổ quốc hiên ngang nơi mũi tàu, những chiếc nón tượng trưng cho sự hiện diện của con người Việt Nam nơi đầu sóng. “Với tác phẩm này tôi muốn thể hiện quyết tâm bảo vệ, gìn giữ chủ quyền biển của Việt Nam. Tôi tin tưởng, trong cuộc chiến cam go về bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ của lực lượng tiến bộ trên thế giới” - tác giả của Ra biển bày tỏ. Cũng mang thông điệp về biển đảo, nhóm tác giả ĐH Mỹ thuật TP.HCM đã làm nên tác phẩm Bước chân Trường Sa để khẳng định sự hiện diệnsớm nhất của dân tộc Việt Nam trên quần đảo này, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm giữ gìn môi trường, giữ gìn chủ quyền biển đảo của thế hệ trẻ hôm nay. “Nếu như ngày xưa bước chân thần tốc của đoàn quân vua Quang Trung có thể đánh đuổi được quân Thanh thì ngày nay bước chân của thế hệ trẻ Việt Nam sẽ đủ sức giữ gìn quần đảo Trường Sa máu thịt của Tổ quốc” - một thành viên của nhóm ĐH Mỹ thuật TP.HCM chia sẻ.

Tại sao lại là cát chứ không phải chất liệu nào khác? Anh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần GTO, bày tỏ: “Khi sóng thần xảy ra ở Nhật, tôi cũng như mọi người đã thấy được sự khủng khiếp mỗi khi bà mẹ thiên nhiên nổi cơn thịnh nộ. Vì vậy, tôi muốn làm một cái gì đó để kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn sự sống. Và tôi đã nghĩ đến cát! Cát có thể vùi lấp tất cả nhưng cát cũng có thể trở thành chất liệu nghệ thuật đánh thức con người trong việc bảo vệ sự sống”.

Thả hơn 400.000 sinh vật biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản

Sáng 12-6, UBND TP Nha Trang phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa tổ chức thả hơn 400.000 sinh vật biển nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản cho vịnh Nha Trang. Trong đó, hơn 400.000 con tôm sú giống, 7.500 con cá chẽm giống được thả tại khu vực biển Hòn Tằm, Đầm Bấy nằm trong khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Đây là một trong những hoạt động hướng về biển đảo nằm trong chương trình Festival biển Nha Trang năm 2011, thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia. Số thủy sản này do Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, Viện Hải dương học, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 cùng một số doanh nghiệp đóng góp.

Phát biểu tại hoạt động trên, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, kêu gọi các cơ quan chức năng, người dân thường xuyên tổ chức các hoạt động góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản trên vịnh Nha Trang.

T.LỘC

THÀNH NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm