Thông tin mới nhất về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông

“Từ ngày 31-3, Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường sắt và Công ty Hà Nội Metro thực hiện công tác kiểm đếm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài sản dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Trên cơ sở báo cáo thực hiện của hai đơn vị này, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội sẽ thống nhất thời điểm bàn giao, đưa dự án vào vận hành khai thác…”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin như trên tại buổi thăm quan hiện trường dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông, diễn ra vào sáng nay.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông giải đáp những khó khăn khi triển khai dự án Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: V.LONG

Theo ông Đông, công tác kiểm đếm và tiếp nhận dự án giữa Hà Nội và Bộ GTVT sẽ kéo dài 3-4 tuần. Sau đó, Hà Nội sẽ xem xét đưa dự án vào khai thác thương mại. “Như vậy có thể khẳng định đến thời điểm này chúng tôi hoàn thành đúng tiến độ Thủ tướng giao về đầu tư, xây dựng và lắp đặt dự án” - ông Đông nói.

Về công tác đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống, Bộ GTVT cho biết hãng tư vấn ACT của Pháp đã kiểm tra, đánh giá tất cả các hạng mục dự án. Trong đó, phần hệ thống thiết bị, tư vấn đưa ra 16 khuyến nghị, thuộc ba nhóm, gồm hồ sơ tài liệu; thiết kế cần khắc phục hiện trường và có thể tiếp tục cải tiến, nâng cao mức độ an toàn trong tương lai; và sẵn sàng vận hành về nhân sự.

Hành khách thực hiện mua vé tự động trước khi lên tàu. Ảnh: V.LONG

Tiếp nhận các khuyến nghị này, Bộ đã hoàn thiện các nội dung về cấp chứng nhận của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, đánh giá an toàn bước hai về thống tín hiệu, bổ sung các biển chỉ dẫn cho người khuyết tật, diễn tập ngoài hiện trường…

Với các khuyến nghị còn lại, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án khẩn trương khắc phục, hoàn tất các thủ tục, đồng thời phối hợp với phía Hà Nội đáp ứng các khuyến nghị thuộc trách nhiệm của đơn vị vận hành, khai thác.

Riêng đối với các nội dung đầu tư xây dựng, hạng mục nhằm nâng cao an toàn trong quá trình khai thác, Bộ đã đề nghị Hà Nội thống nhất thực hiện đầu tư để tổng hợp gửi tư vấn ATC, phục vụ công tác đánh giá cuối cùng.

Bên trong tàu Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: V.LONG

Đánh giá thêm về khó khăn dự án này, lãnh đạo Bộ GTVT một lần nữa khẳng định tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là dự án lớn, nền tảng kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới. Dự án được triển khai trong lúc hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn còn thiếu và chưa đồng bộ… Cạnh đó là năng lực điều hành dự án còn hạn chế, nên chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Đây là bài học kinh nghiệm cho ngành giao thông để triển khai các công trình tương tự trong tương lai.

“Chẳng hạn, theo tôi với dự án mới như thế này chúng ta cần cử một đơn vị đi học ở nước ngoài trước rồi mới về triển khai trong nước. Song song đó, chúng ta cần có lộ trình, chuẩn bị đầu tư phải đi kèm đào tạo nguồn nhân lực. Ví dụ, vừa qua chúng ta triển khai đầu tư điện hạt nhân, phải đào tạo nguồn nhân lực rồi mới làm” - ông Đông rút kinh nghiệm.

Thông tin mới nhất về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ảnh 4
Dự kiến sau 3-4 tuần nữa dự án sẽ được bàn giao cho TP Hà Nội để khai thác thương mại. Ảnh: V.LONG

Về công tác chuẩn bị đưa dự án vào khai thác thương mại, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hà Nội Metro, cho biết dự án vẫn duy trì chạy tàu mỗi ngày để nhân sự vận thuần thục. Khi công trình chính thức khai thác thương mại, sẽ có một đơn vị tư vấn hỗ trợ vận hành trong năm đầu tiên. “Đơn vị tư vấn này đã sang Việt Nam và đang cách ly theo quy định…” - ông Trường thông tin.

Lãnh đạo Hà Nội Metro cho biết giá vé đi tàu từ 8.000 - 15.000 đồng/lượt, tùy theo chặng. Vé tháng sẽ có hai mức giá, 100.000 đồng với nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên, 200.000 đồng với khách thường.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài hơn 13 km, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở tối đa 1.326 người, vận tốc thiết kế 80 km/h, vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/h.

Nhân sự vận hành toàn hệ dự kiến gần 700 người, trong đó 200 người được đào tạo ở Trung Quốc.

Công trình được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc, giá trị hơn 669 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam, hơn 198 triệu USD. Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, với tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Thời hạn bảo hành dự án là 2 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm