Liên quan tới vụ án đường dây 500 kV, có ba bị cáo từng được TAND tỉnh Kon Tum tuyên không phạm tội nhưng sau đó lại bị kết tội trở lại, hiện tại không chỉ có bị cáo mà cả những người liên quan tới vụ án cũng kháng cáo.
Cụ thể, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) cho rằng TAND tỉnh Kon Tum buộc công ty này phải nộp sung ngân sách nhà nước số tiền hơn 1 tỉ đồng là không có cơ sở. Bởi tòa không thể lấy kết luận chỉ có tính chất tham khảo để xác định giá trị thanh toán…
Cạnh đó, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) cũng có đơn kháng cáo. Lý do, năm 2016 tổ giám định viên liên ngành Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT xác định cả hai bản kết luận giám định đều không đủ căn cứ và yếu tố để làm cơ sở xác định chính xác giá trị thực tế hạng mục nổ mìn phá đá nền đường gần đường dây 500 kV.
Hiện hạng mục nổ mìn phá đá này mới tạm thanh toán và chưa quyết toán, không để xảy ra thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước.
Vì danh dự nên dù có bị ung thư bị cáo Lê Quang Tứ cho rằng vẫn phải đòi lại công bằng. Ảnh: NGÂN NGA
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, để đảm bảo an toàn đường dây 500 kV đoạn từ Km 334 đến Km 344, năm 2000 Bộ GTVT chỉ đạo Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 phải có phương án nổ mìn phá đá.
Quá trình thi công, Công ty Thanh Nam lại làm theo phương án “nổ om” (một thuật ngữ về kỹ thuật) và đề nghị phê duyệt hơn 14 tỉ đồng.
Năm 2005, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) đã giám định công trình và xác định hạng mục nổ mìn phá đá chỉ tốn hơn 10 tỉ đồng. Cho rằng các bị cáo gây thiệt hại hơn 4 tỉ đồng nên trong hai năm 2004-2005, kỹ sư Bùi Hải Nhân bị khởi tố về tội tham ô tài sản, nhiều người khác bị khởi tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...
(PL)- Tòa phúc thẩm từng hủy án theo hướng các bị cáo không phạm tội. Gần 10 năm sau, xử sơ thẩm lần hai, tất cả bị cáo đều… có tội.