ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương
Tại phiên chất vấn, các ĐBQH đặc biệt quan tâm đặt nhiều câu hỏi về công tác quản lý an toàn thông tin mạng, việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu vấn đề, hiện nay hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc sai sự thật khá phổ biến trên mạng, thậm chí lập trang Facebook giả của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Từ đó, ĐB Cương đặt câu hỏi: “Việc này nguy hiểm vì gây hệ lụy, bộ trưởng có giải pháp gì để xử lý tình trạng này?”.
Còn ĐB Nguyễn Tọa (Lâm Đồng) thì dẫn chứng vừa qua, có hiện tượng mạng xã hội phát tán thông tin xấu, kích động, vu khống, xúc phạm nhân phẩm danh dự uy tín của một cá nhân, tổ chức. Theo đó, ĐB Tọa yêu cầu người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết “Xử lý vấn đề này như thế nào, giải pháp giải quyết triệt để vấn đề này như thế nào?".
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn cho hay mạng xã hội đang phát triển nhanh chóng, nhiều nước coi đây là một kênh thông tin vì những tiện ích nó mang lại. Việt Nam hiện đang sử dụng các mạng xã hội, kênh thông tin do nước ngoài cung cấp như Facebook, Yahoo, Youtube… với số lượng người dùng thuộc hàng cao trên thế giới.
“Mạng xã hội như con đường, trên đường đi có người tốt người xấu. Người xấu dùng mạng xã hội làm điều ác. Thông tin trên mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt, khắp công sở, đường phố, mọi ngõ ngách đời sống xã hội, tin xấu sẽ gây hậu quả khôn lường cho xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội để tung tin, bôi nhọ. Trên mạng còn có những kẻ nói xấu, chửi bới người khác. Thế giới cũng rất đau đầu về vấn đề này. Việt Nam cũng không ngoại lệ, phải đối mặt với những mặt trái của mạng xã hội” - ông Tuấn nói.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn
Theo ông Trương Minh Tuấn, Việt Nam là một trong 10 nước sử dụng Facebook lớn nhất thế giới, nên những thông tin bôi xấu Đảng, Nhà nước... chủ yếu xuất phát từ các trang mạng xã hội nước ngoài. Những trang mạng xã hội nước ngoài này khó kiểm soát, hiện Việt Nam đã bắt đầu kiểm soát, bước đầu có quy định pháp luật về vấn đề này.
Để xử lý vấn đề này, Bộ trưởng Tuấn cho hay Bộ đã ban hành Thông tư 38 ngày 16-12-2016 là cơ sở để yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin qua biên giới phải có trách nhiệm gỡ bỏ thông tin theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống, trong sạch hóa đội ngũ người làm báo, minh bạch thông tin để mạng xã hội không lấn sân của báo chí chính thống, "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu"… Đi kèm với đó là tiến hành xử phạt nghiêm minh các trường hợp sai phạm (xác định được nhân thân). Đối với các trường hợp không xác định được nhân thân thì yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới gỡ bỏ những thông tin vi phạm.
Theo ông Tuấn, trong thời gian qua, Bộ đã đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp mạng xã hội, kênh thông tin… gỡ bỏ hơn 2.200 thông tin xấu, độc, xuyên tạc, đến đầu tháng 4-2017, các doanh nghiệp này đã gỡ hơn 1.200 thông tin.
“Trong tháng tới chúng tôi sẽ làm việc với Facebook để gỡ bỏ các nội dung giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước và phía Facebook đã đồng ý đến Việt Nam làm việc về nội dung này” - ông Tuấn nói.